Theo báo cáo thường niên của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), số người không có cơ hội tiếp nhận một nền giáo dục thông thường lên đến 350 triệu người, tương ứng với 5% nhân loại, nhiều hơn dân số năm nước châu Âu là Anh, Đức, Pháp, Ý, Tây Ban Nha gộp lại. Nằm ngoài tầm ngắm của các nhà dân số học, họ được xem là người “vô hình”, “nghèo khổ nhất trong số những người nghèo khổ nhất”, sống ở những nơi mà các nhà quản lý và điều tra dân số không với tới được.
Hiện nay, tại nhiều khu ổ chuột ở một số thành phố thuộc thế giới đang phát triển, có hàng triệu người sống bất hợp pháp, không được sổ sách của những nước mà họ sinh sống ghi nhận như những người di cư hợp lệ. UNESCO ước tính có khoảng 250 triệu người bị sót tên trong các cuộc điều tra dân số và 100 triệu người khác hoàn toàn nằm ngoài các con số thống kê chính thức, kể cả những người nhập cư bất hợp pháp ở các nước công nghiệp hóa. Ngày càng có nhiều người gia nhập vào đội quân “vô hình” của những người sống ngoài sự ghi nhận và kiểm soát của những nước nơi họ đến cư ngụ, do các xung đột quân sự và chính trị tại nhiều nước và khu vực trên thế giới, do sự nghèo đói và cả sự khắc nghiệt của biến đổi khí hậu toàn cầu. Mới đây, Tổ chức Lương Nông LHQ (FAO) đã đề ra 10 yếu tố cần được lưu ý về sự nghèo đói của con người: (1) Thế giới sản xuất đủ lương thực để nuôi mọi người, nhưng lại có khoảng 800 triệu người thiếu đói, trong đó 60% là phụ nữ; (2) Khoảng 80% số người cực nghèo sống trong khu vực nông thôn, phần lớn lệ thuộc hoàn toàn vào nông nghiệp; (3) Số người chết vì đói hằng năm nhiều hơn số người tử vong do các bệnh sốt rét, lao và AIDS gộp lại; (4) Khoảng 45% trẻ em tử vong có liên quan đến tình trạng suy dinh dưỡng; (5) Cái giá của sự thiếu dinh dưỡng trong nền kinh tế toàn cầu tương đương với 3.500 tỉ USD/năm; (6) Hiện có đến 1,9 tỉ người thừa cân; (7) Một phần ba số lương thực do con người làm ra bị thất thoát hay lãng phí; (8) Vào năm 2050, thế giới cần sản xuất thêm 60% lương thực (so với hiện nay) mới đủ nuôi mức dân số đang gia tăng; (9) Không có khu vực nào nhạy cảm với biến đổi khí hậu toàn cầu bằng nông nghiệp; (10) FAO đang hoạt động ở 130 quốc gia, chủ yếu ở nông thôn, với sự phối hợp của các chính phủ, xã hội dân sự, khu vực tư và nhiều đối tác nhằm hoàn thành mục tiêu xóa đói giảm nghèo.
Một thực tế quan trọng là ba phần tư số người cực nghèo sống dựa vào nông nghiệp, dễ dẫn đến tình trạng di dân ồ ạt, vô tổ chức, gây ra nhiều vấn đề khó khăn cho những nước từ đó họ ra đi và nước phải tiếp nhận họ. Theo FAO, để kìm hãm đà di cư của những người nghèo đói muốn tìm một môi trường sống tốt hơn, điều quan trọng và cấp thiết là phải đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có vấn đề an ninh lương thực và phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, các nước công nghiệp hóa cần hỗ trợ những nước nghèo trong việc cải tiến khoa học – kỹ thuật nhằm thực hiện những biện pháp có hiệu quả nhất đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính hiện tượng này đã khiến cho khoảng 20 nước phải tuyên bố tình trạng báo động do hạn hán gây ra và hàng triệu người phải bỏ nhà cửa, đất đai, đi tìm sự sống ở nơi khác.
- LHCT tổng hợp