Tổ chức Lương thực Thế giới và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) trong một báo cáo gần đây cho rằng Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, đặc biệt là mưa bão và lũ lụt. Mưa bão xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng cả về tần suất và sự nguy hại, đang trở thành mối đe dọa thực sự đối với cuộc sống của con người và sự phát triển của nền kinh tế.
Bên cạnh những nguyên nhân như đặc điểm địa lý, biến đổi khí hậu khiến tình trạng mưa lũ ở VN ngày càng trở nên khốc liệt, còn có nguyên nhân trực tiếp của con người. Nạn phá rừng đầu nguồn để khai thác gỗ, phát triển nông nghiệp, thủy điện… làm thảm thực vật trên lưu vực ngày càng giảm dẫn đến khả năng cản dòng chảy kém, lũ tập trung nhanh hơn.
Khi rừng đầu nguồn bị chặt phá, cường độ của lũ lụt đi nhanh, làm cho nước dâng cao rất nhanh. Khi nước lũ dâng cao, cây rừng cản sức nước và rễ cây sẽ hút phần nào nước lũ. Có cây rừng, sức nước đỡ mạnh hơn, cây rừng chắn gió và làm suy yếu sức mạnh tại những vùng bão đi qua. Theo các nhà khoa học, việc nhiều diện tích rừng đầu nguồn và rừng phòng hộ ở các tỉnh miền Trung nước ta bị san bằng nhường chỗ cho thủy điện đang làm mất khả năng điều tiết nước thượng nguồn khi mưa lớn, đây là một nguyên nhân chính khiến lũ lụt ngày thêm trầm trọng.
Tại cuộc họp của Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 11-10 vừa qua, đại diện Bộ Công thương cho biết trong tình hình mưa lũ ồ ạt diễn ra trên diện rộng, đã có 31 hồ chứa thủy điện đồng loạt xả lũ, trong đó khu vực phía Bắc có 27 hồ chứa, khu vực Bắc Trung bộ có bốn hồ chứa tiến hành xả lũ. Riêng hai hồ lớn nhất là thủy điện Hòa Bình và Sơn La có mực nước và lưu lượng nước vào hồ tăng cao.
Về hồ chứa thủy lợi, theo Tổng cục Thủy lợi, hiện có gần 3.000 hồ khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã đầy nước, trong đó có 160 hồ lớn đã đầy và khoảng 20% hồ nhỏ có biểu hiện tràn.
Các hồ như Cửa Đạt, Sông Mực, Đồng Chùa (Thanh Hóa), Vực Mấu, Sông Sào (Nghệ An), Sông Rác, Thượng Sông Trí, Kim Sơn, Tàu Voi (Hà Tĩnh), Thác Chuối (Quảng Bình) đều đã phải xả nước. Đây là những địa phương chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong đợt lũ vừa qua. Và nếu dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn chính xác theo đó trong tháng này sẽ còn vài cơn bão và áp thấp nhiệt đới đổ vào khiến các tỉnh trong vùng này sẽ còn chịu nhiều thiệt hại.
Tại cuộc họp vừa nói, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để đảm bảo an toàn cao nhất cho các công trình thủy lợi và thủy điện, sẵn sàng đón lũ và cắt lũ trong các tình huống xấu.
Và cũng không hề ngẫu nhiên khi cuối tuần qua, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định “những công trình thủy điện nhỏ nhưng phá rừng rất lớn”. Hiện cả nước có 270 dự án thủy điện nhỏ đang hoạt động với tổng công suất 2.767mw). Ông kêu gọi tăng cường hơn nữa việc quản lý, bảo vệ rừng.
Ngân hàng Thế giới gần đây cho biết, hiện nay chỉ tiêu rừng ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất với mức bình quân 0,14 hécta/người, trong khi mức trung bình của thế giới là 0,97 hécta/người.
Còn theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, diện tích rừng nguyên sinh của chúng ta sút giảm trầm trọng, hiện chỉ còn rất ít, chủ yếu còn ở những rừng phòng hộ, khu bảo tồn, phần lớn rừng tự nhiên còn lại hiện nay chỉ là rừng nghèo.
Hình ảnh lưu trữ trên Google Earth từ 1984 tới 2016 cho thấy hiện có nhiều mảng trắng trải dọc trên cả nước, đặc biệt tại khu vực Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc. Cho đến thời điểm cuối năm 2016, những cánh rừng bạt ngàn tại năm tỉnh Tây Nguyên chỉ còn là những mảng trắng, những tỉnh như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông hầu như không còn rừng.
Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tính tới năm 2016 hệ thống khu bảo tồn có 166 khu rừng đặc dụng, diện tích xấp xỉ 2,2 triệu ha, chiếm 7% diện tích tự nhiên cả nước. Trong đó, 31 vườn quốc gia có tổng diện tích khoảng 10.500,8km², 64 khu dự trữ thiên nhiên, 16 khu bảo tồn loài, 55 khu bảo vệ cảnh quan.
Tuy nhiên, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên đang bị xâm hại. Một dẫn chứng sinh động là bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) qua hình ảnh vệ tinh cho thấy khu vực phía tây trên bán đảo này đang bị tàn phá nghiêm trọng. Trước đó, năm 1977, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định lập 10 khu rừng cấm của Việt Nam, trong đó có bán đảo Sơn Trà với diện tích khoảng 4.000ha. Năm 1992, Bộ Lâm nghiệp quyết định đổi tên “rừng cấm” thành khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà với tổng diện tích 4.439ha do nơi đây mang ý nghĩa đặc biệt về quân sự và môi trường. Thế nhưng như thông tin trên các báo gần đây, khu bảo tồn này đang biến dạng dần.
Ngoài ra, chúng ta còn có rừng ngập mặn. Với bờ biển dài hơn 3.000km, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bờ biển, ngăn chặn gió bão, hạn chế xói lở, xâm mặn, mở rộng diện tích đất liền và điều hòa khí hậu. Đây là nơi cư trú và làm tổ của nhiều loài chim, động vật ở nước, thú quý hiếm… Rừng ngập mặn cũng đang bị xâm hại sẽ làm cho các hệ sinh thái lân cận như rong lá hẹ, cỏ biển bị tiêu diệt theo.
Mất rừng ngập mặn đồng nghĩa với mất mát cả về hệ sinh thái động thực vật – đặc biệt các loài thủy sinh không còn bãi đẻ và nơi cư ngụ – và khả năng điều hòa môi trường, mở rộng và giữ lãnh thổ.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong hơn năm thập niên qua Việt Nam đã mất 67% diện tích rừng ngập mặn so với năm 1943. Trong 22 năm từ 1990-2012, tỷ lệ mất rừng ngập mặn cao gấp 1,7 lần giai đoạn 47 năm trước, từ 1943-1990.
Hiện nay độ che phủ của rừng chỉ còn chưa đầy 40%, trong đó diện tích rừng nguyên sinh chỉ còn 10%. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng, bởi do biến đổi khí hậu, trong thời gian tới, nước ta – đặc biệt là tại miền Trung – sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai do các hiện tượng thời tiết cực đoan gây ra với tần suất ngày càng nhiều và khốc liệt.
Phá rừng là một trong những nguyên nhân gây ra nạn ô nhiễm môi sinh, hiện tượng trái đất ấm dần lên, nạn đói kém, lụt lội, cũng như hủy hoại những lâm sản dưới tán rừng đã gây nên sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng, dẫn đến sự biến đổi khí hậu thất thường, bão lụt, lũ quét, lở đất và phát sinh nhiều loại dịch bệnh.
Trở lại với những thiệt hại to lớn trong đợt lũ lụt vừa qua, các nhà chuyên môn cho rằng chúng ta cần nghiêm khắc nhìn nhận lại nguyên nhân do chính chúng ta gây ra. Từ những năm 1995, chúng ta đã phá bỏ diện tích lớn rừng nguyên sinh cho triển khai quy hoạch thủy điện. Và kinh nghiệm cho thấy với diện tích rừng đầu nguồn bị phá, dù có đầu tư tiền để tái sinh thì cũng phải 50 năm mới phục hồi, mới ngăn được dòng chảy. Còn rừng chưa phục hồi, thậm chí còn mất rừng do quản lý yếu kém thì mỗi lần lũ xuống gần như không có gì ngăn cản.
Cũng cần xem lại các quy trình vận hành hồ chứa, đặc biệt là các hồ chứa của thủy điện. Hồ chứa không phải là cái ao, phải có nhiệm vụ điều tiết nước theo đúng mục tiêu mùa lũ trữ nước, mùa khô xả nước.
Nhưng các hồ chứa thủy điện hiện nay không làm được như vậy, vẫn còn chủ động tích nước từ đầu mùa lũ thay vì phải xả nước đầu mùa. Thậm chí với hơn 1.000 thủy điện vừa và nhỏ hiện nay, đa số không có dung tích phòng lũ. Đó là chuyện cần nghiêm túc xem xét.
Trong ứng phó, chuyện dự báo thủy văn cũng cần thay đổi, cần đầu tư cho phù hợp với sự biến đổi của khí hậu.
Chúng ta tuy có kinh nghiệm phòng chống mưa lũ, nhưng rõ ràng là không nên chủ quan mà cần phải thông tin cho người dân tình hình thủy văn một cách chính xác và kịp thời, để giảm bớt thiệt hại về nhân mạng và tài sản.
- Trần Đại Lộc