Sau khi “thay tướng” (Uber bổ nhiệm giám đốc điều hành mới, Dara Khosrowshahi, thay cho nhà sáng lập Travis Kalanick vào tháng 8-2017), có vẻ khó khăn vẫn chưa thôi đeo bám Uber. Cụ thể, cuối tháng 9 vừa qua, giới chức quản lý giao thông ở thành phố London (Anh) đã quyết định không gia hạn giấy phép kinh doanh cho Uber, đồng nghĩa với việc Uber sẽ bị cấm hoạt động tại một trong những thành phố giàu có nhất thế giới này. Lý do chính được đưa ra là để bảo vệ an toàn cho người dân.
Tất nhiên, trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng Uber có thể có nhiều cách khác nhau để giải quyết tình hình, như chấp nhận chia sẻ dữ liệu khách hàng, cải thiện khả năng hợp tác với chính quyền, trả tiền phạt theo các điều khoản của London… để xóa bỏ lệnh cấm trên, hay tiếp tục kháng cáo tới cùng để hãng được hoạt động.
Tuy nhiên, vụ việc của Uber phần nào gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những nhà khởi nghiệp, đó là không nên bỏ hết trứng vào cùng một giỏ, dù doanh nghiệp khởi nghiệp của bạn có ý tưởng hoàn hảo đến đâu đi nữa.
“Khởi nghiệp là bắt đầu một điều gì đó mới mẻ, tuy nhiên, sự mới mẻ luôn gặp phải những rào cản, và Uber cũng không phải là ngoại lệ. Dù ở London, Uber tạo ra 40.000 việc làm, với 3,5 triệu người đã sử dụng, nhưng chẳng có gì đảm bảo rằng hãng có thể tiếp tục xuất hiện ở thành phố này” – Andrew Beattie, nhà phân tích của trang Investopedia.com và Business Insider, bình luận – “May mắn là Uber đã và đang hoạt động ở 700 thành phố khác nhau, nên họ sẽ không bị ảnh hưởng quá nặng nề vì việc này. Và đây cũng chính là điểm sáng, là bài toán mà các doanh nghiệp khởi nghiệp ngày nay phải luôn chú ý, bài toán mang tên ngừng phụ thuộc”.
Phụ thuộc vào khách hàng
Theo Andrew Beattie, khó khăn đầu tiên với nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, đó là họ thường bị phụ thuộc quá nhiều vào một số khách hàng nhất định.
Cụ thể, nếu một khách hàng hoặc một phân khúc khách hàng chiếm hơn một nửa thu nhập của doanh nghiệp, thì doanh nghiệp khi ấy thực sự giống như một nhà thầu độc lập hơn là một thể chế tài chính độc lập. Và doanh nghiệp khi ấy không chỉ nhận tất cả rủi ro kinh doanh trong lĩnh vực của mình, mà còn phải nhận thêm rủi ro kinh doanh của đối tác.
Vì vậy, đa dạng hóa khách hàng là điều quan trọng đầu tiên để chúng ta có thể phát triển kinh doanh, dù cho đây có thể là điều rất khó khăn ban đầu, khi nguồn vốn, tiềm lực kinh doanh và thậm chí là kinh nghiệm, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp còn đang rất mỏng.
“Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ, có được một khách hàng sẵn sàng trả tiền đúng và đủ theo thời hạn là một sự may mắn hiếm có. Bởi không phải khách hàng nào cũng có sự nhất quán lâu dài và tình trạng kinh doanh luôn ổn định. Tuy nhiên, thế giới kinh doanh đang ngày một thay đổi và tốt hơn hết doanh nghiệp nên có một cơ sở khách hàng đa dạng. Hãy tin vào chính mình, chứ đừng phụ thuộc vào một hoặc hai khách hàng, dù họ có thân thiết và có uy tín đến thế nào” – Andrew Beattie nhìn nhận.
Phụ thuộc vào giám đốc điều hành
Andrew Beattie nhận định, ở nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp ngày nay, giám đốc điều hành chẳng khác nào hình ảnh bà mẹ trông con mọn. Anh ta phải lên công ty, giải quyết mọi việc gần như từ đầu tới cuối. Nếu một ngày anh ta không ở đấy, có lẽ công ty sẽ chẳng thể nào vận hành.
Đây cũng là vấn đề thứ hai của nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, chủ yếu ở phía nhà quản trị, khi ôm đồm quá nhiều việc. Mấu chốt thường là do nhà quản trị khi giao việc đã không giao quyền hạn phù hợp cho nhân sự của mình, khiến nhân sự không thể tự quyết bất cứ việc gì, nếu không hỏi qua ý kiến của sếp.
“Khi giao quyền, bạn đang phải thỏa hiệp. Bạn phải thỏa hiệp với nhân viên của mình, để anh ta nhận lãnh một số công việc và đổi lại một số vai trò trong doanh nghiệp. Đây là một hành động khiến giảm sự ảnh hưởng của mình, nên nhiều nhà quản trị hoàn toàn không thích. Thế nhưng hãy nghĩ đến thời điểm bạn buộc phải rời khỏi doanh nghiệp vài ngày và nó sẽ hoạt động ra sao? Chỉ đạo từ xa thường không phải là một biện pháp tốt. Theo tôi, để đi nhanh, bạn nên đi một mình, nhưng để đi xa, bạn nên đi cùng nhau” – Andrew Beattie nhìn nhận.
- Xem thêm: Để khởi nghiệp không thất bại vì cái tôi
Phụ thuộc vào nhân viên
Robert Glazer, Giám đốc điều hành của Công ty Tiếp thị Acceleration Partners, cho rằng một trong những đặc điểm nổi bật của doanh nghiệp khởi nghiệp là sự linh hoạt trong môi trường, cơ cấu, yêu cầu đối với các phòng ban, nhân viên. Sự linh hoạt này là một trong những chiếc sàng, thanh lọc nhân sự khắc nghiệt nhất, nếu không muốn nói là chỉ rất ít nhân viên có thể trụ vững ở một doanh nghiệp từ khi nó hình thành cho tới khi thực sự đạt được thành tựu nhất định.
“Sự phù hợp không chỉ là đặt đúng người vào đúng ghế, mà còn đặt họ vào đó đúng thời điểm. Và để tránh phụ thuộc vào bất cứ nhân sự nào, hãy luôn nhớ rằng, không ai là không thể thay thế” – Robert Glazer chia sẻ trên trang Harvard Business Review.
Theo đó, Robert Glazer đã thực hiện một trong những quyết định nhân sự để đời, đó là sa thải nhân viên chuyên về quan hệ khách hàng, người đã theo công ty của anh từ khi nó vừa chập chững những bước đi đầu tiên.
“Anh ta (nhân viên của Robert Glazer) có thái độ tốt, gắn bó lâu năm với công ty, nhưng hoàn toàn không phù hợp với vai trò và vị thế mới của công ty. Anh ta hoàn toàn không thể theo kịp sự phát triển của các mô hình mới và đã làm chúng tôi lỗ không ít tiền vì việc đó. Khi quyết định ngừng phụ thuộc vào anh ấy, chúng tôi thực ra đã giúp anh ấy chuyển sang một công ty khác mà ở đó họ có thể sử dụng kỹ năng của anh ấy tốt hơn.
Nếu chúng tôi cố gắng buộc anh ta tiếp tục với chúng tôi, không chỉ bản thân anh ấy sẽ chán và không có động lực làm việc, mà chúng tôi cũng gặp không ít rắc rối. Tất nhiên, cuộc chia tay này không mấy êm đẹp, nhưng nếu bạn không chịu đối mặt với thách thức, bạn sẽ không thể dừng phụ thuộc” – Robert Glazer kết luận.