“Con tép giống Galaxy đen hạng thường này có giá 600 ngàn đồng, còn những con tép giống Galaxy đen hạng cao, Galaxy xương cá, Galaxy đỏ… kia thì có giá từ 1,2 triệu đến vài triệu. Tép kiểng mắc nhất tôi từng bán có giá 35 triệu đồng. Ở Đài Loan từng có con tép “khủng” giá 84 triệu đồng vẫn có người mua”, anh Hoàng Tiến, chủ cửa hàng tép kiểng Saigon Shrimps (quận 3, TP. Hồ Chí Minh) cho biết.
Theo tay anh chỉ, tôi phải nhìn kỹ mới thấy những con tép kiểng có kích thước từ 2 – 3cm đang bơi trong hồ kính. “Sau giờ tan sở, tôi lại miệt mài với những chú tép tí hon này tới khuya, dù không phải ngành kinh doanh chính nhưng tôi cũng kiếm vài chục triệu đồng mỗi tháng”.
Nghề chơi cũng lắm công phu
Dân chơi tép kiểng thường chia làm hai loại. Thứ nhất là người chơi nhập môn, mới tập tành chơi và cố gắng giữ tép không bị chết. Ở giai đoạn đầu khi làm quen với thú chơi này, nhiều người sẽ dễ thất vọng vì con tép mong manh sẽ có thể bị chết vì hàng trăm nguyên nhân, việc giữ cho tép sống đã là một việc vô cùng khó khăn, chưa nói đến nỗ lực giúp chúng sinh sản và giữ được tép con.
Những người biết cách xử lý tốt sự cố của hồ cũng như của tép, đồng thời có thể lai tạo giống tốt thì được gọi là người chơi chuyên nghiệp, như trường hợp Hoàng Tiến. Anh tìm hiểu kỹ tất cả những kiến thức, thông tin liên quan vì mê tép kiểng và muốn chia sẻ nhiều hơn với cộng đồng đam mê thú chơi tốn kém này ở Việt Nam.
Mỗi ngày, anh Tiến thường dành thời gian trên dưới sáu tiếng mỗi tối để cho tép ăn và chăm sóc hồ nước. Hầu hết tép kiểng tại shop của anh Tiến đều nhập từ Đài Loan – thị trường xuất khẩu tép cảnh lớn nhất thế giới. Anh trở thành đối tác của hai nhà phân phối tép kiểng có tiếng khó tính sau sáu tháng thử thách. “Đây là ngành nông nghiệp sạch, hồ nuôi tép có thể đặt bất cứ nơi đâu trong nội đô mà không làm ảnh hưởng đến môi trường, hồ nhỏ không tốn diện tích nhiều nên phù hợp với mọi không gian diện tích hạn chế ở nơi đô thị”, Hoàng Tiến nói.
Theo chia sẻ của những người chơi trên mạng xã hội, thì chơi tép kiểng như một cách thiền. Ngắm tép, chăm tép là khoảng thời gian người chơi cảm thấy thư giãn sau ngày dài vất vả. Việc chăm tép cũng tập cho người chơi tính kiên nhẫn, từ tốn. Sự nóng vội, mất bình tĩnh khó kiểm soát được việc chăm sóc hồ và giữ tép. Vì khi tép mới chết một, hai con, người chơi mất kiên nhẫn sẽ xử lý bằng nhiều cách khác nhau, không có sự cân nhắc nên có thể dẫn đến tình trạng hồ nuôi tan nát, tép chết hàng loạt.
Thu nhập lớn từ nghề chơi
Khi nắm thức ăn trên tay anh Tiến vừa chìm xuống nước, đông đảo những con tép li ti sọc trắng đỏ và sọc trắng đen bu lại, tạo thành một bức tranh sắc màu sinh động. “Tôi rất thích khoảnh khắc này, tôi thường có cảm giác bình an và thư thái khi nhìn những con tép nhỏ tranh mồi”, anh Tiến nói. Anh nuôi tép vì đam mê, nhưng lại có thêm thu nhập kha khá từ thú chơi này. Anh hay nói nửa đùa nửa thật với bạn bè là chỉ cần bán một con tép kiểng thì anh có thể đãi bạn bè một chầu tôm hùm!
Tại cửa hàng Saigon Shrimps hiện chỉ có khoảng 30 hồ nhỏ, nhưng lúc cao điểm, số lượng tép kiểng có đến hơn 5.000 con. Hoàng Tiến cho biết dù phong trào nuôi tép kiểng hiện nay không còn sôi động như ba, bốn năm trước nhưng số lượng người chơi ngày càng đông, anh kiếm trung bình khoảng 2 triệu đồng/tháng mỗi hồ.
“Kinh doanh tép kiểng nhìn có vẻ “dễ ăn” nhưng không phải ai cũng có thể nuôi được. Nếu không có nền tảng kỹ thuật nuôi, kiến thức phân loại tép, cách xử lý sự cố, kỹ thuật lai tạo… thì rất dễ thất bại”. Ông chủ Saigon Shrimps từng có kinh nghiệm xương máu từ một lần diệt sán cho hồ tép bằng thuốc Zentel, kết quả là bị mất trắng nguyên một hồ tép giá trị cả vài chục triệu đồng. Một hồ nhỏ nuôi tép có vốn đầu tư ban đầu từ vài triệu đồng trở lên, bao gồm hồ kính, bộ lọc, đèn, vi sinh, khoáng, các loại thuốc dưỡng nước… Tép kiểng có rất nhiều dòng, loại khác nhau. Giá tép kiểng rất đa dạng, từ vài chục ngàn đến vài chục triệu một con, tùy theo người chơi là “lính mới” hay là người chơi muốn thể hiện đẳng cấp.
Anh Tiến chỉ hai con tép sọc đỏ trắng ở hai hồ khác nhau, nói: “Nhìn hai con tép này có vẻ giống nhau nhưng giá một con chỉ khoảng 30 ngàn đồng, trong khi con kia hơn 1 triệu đồng. Giá khác nhau là do bộ gen thuần, màu sứ (trắng) dày hay mỏng, màu đỏ đậm hay nhạt, chân tép màu đỏ hay trắng…”. “Bố mẹ” tép kiểng thường sinh sản sáu lần trong vòng đời kéo dài từ 12 đến 15 tháng, nếu biết lựa giống lai tạo có giá trị và giữ con non sống tốt thì số lượng tép sinh sôi rất nhanh, cho giá trị kinh tế lớn.
Hiện anh Tiến chỉ nuôi giống tép có giá trị lớn và nhập tép giá rẻ. Anh cho biết, thị trường tép Việt Nam có sự cạnh tranh gay gắt, giá cả cao thấp không kiểm soát từ những dòng tép nhập. Những con tép nuôi của anh vẫn bán “được giá” nhờ dòng thuần, thích nghi tốt với môi trường nước ở Việt Nam. Hơn nữa, người nuôi tép thường kiểm soát được chất lượng, biết con tép có “ôm bệnh” hay không. Người bán uy tín không bán những con tép nuôi trong hồ đang chữa bệnh đồng thời cũng không lâm vào tình trạng “bán đổ, bán tháo”.
Tép kiểng của Hoàng Tiến nay đã đến tay người chơi ở khắp mọi vùng miền từ đất mũi Cà Mau đến Hà Giang, Tuyên Quang. Dù Tiến là người bán hàng khó tính, không thích kỳ kèo trả giá nhưng anh vẫn nhận được sự quý mến của người chơi tép khắp nơi vì sự chia sẻ cởi mở, không giấu nghề. Nhờ những chia sẻ trên mạng xã hội mà tép kiểng của Hoàng Tiến đã được nhiều người chơi ở nước ngoài biết đến.
Tuy nhiên, khi họ ngỏ lời mua thì anh thường phải từ chối vì chưa có giấy phép. “Tép kiểng là một ngành vô cùng tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu của ngành này tại Đài Loan đạt đến vài chục triệu USD mỗi năm. Người nuôi ở Việt Nam cũng không ít nhưng có lẽ tép kiểng chỉ là một nhánh nhỏ trong ngành sinh vật cảnh nên chưa có sự quan tâm đúng mức từ các nhà hoạch định chính sách.
Hiện nay, tôi chỉ nuôi với số lượng cầm chừng, không đầu tư nhiều vì việc xuất khẩu tép kiểng còn gặp nhiều khó khăn. Nếu có sự rõ ràng về cơ chế, chính sách thì không chỉ tôi mà nhiều người mê tép khác chắc chắn sẽ tập trung đầu tư nhiều hơn”, anh Hoàng Tiến nói.