Không thể chối cãi sự hấp dẫn của công nghệ trong thời điểm hiện tại. Con người như đang lao tâm khổ tứ vì nó. Cả hai phía sản xuất và tiêu dùng.
Có tiền, ai cũng muốn sở hữu những công nghệ mới nhất, từ ôtô, thiết bị điện tử gia đình như tivi, tủ lạnh cho đến cái ghế massage. Làm ra tiền là để phục vụ cho tiêu dùng mới kích cầu xã hội.
Mỗi người một lĩnh vực theo phân công lao động. Nhà sản xuất vắt óc nghĩ ra tiện ích cho con người, cải tiến liên tục. Một cải tiến nhỏ nhưng là công sức của bao nhiêu người, có thể là sáng kiến của một người hay tập thể, họp bàn, phân tích ưu, khuyết… cho đến chế tạo, dùng thử.
Tung ra thị trường, đôi khi phải mất vài năm. Đó là chưa kể trong quá trình thực hiện, giai đoạn cuối mới thấy không ổn, đành phải bỏ. Bao nhiêu công sức, tiền của. Còn chờ phản hồi người tiêu dùng, có khi vài năm sau mới phát hiện ra lỗi; trong thời gian đó, cải tiến nọ chồng lên cải tiến kia, rồi dùng thử, chỉnh sửa, bỏ đi hay tiếp tục… Quay như chong chóng. Nhà sản xuất mà không nghĩ ra sáng kiến coi như… thua!
- Xem thêm: Điện thoại thông minh
Lan man, mới thấy, công nghệ mà con người đang sử dụng đều là một dạng thử nghiệm, từ đó nghĩ rộng ra, cuộc sống cũng chỉ là thử nghiệm!
Thử nghiệm là gì? Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất là làm thử, coi như một thí nghiệm để xem xét kết quả thế nào. Qua thử nghiệm mới chứng minh được phù hợp hay không phù hợp. Có nghĩa là thử rồi nghiệm. Vậy thôi!
Con người ta lao vào cuộc sống cũng chính là thử sức chịu đựng đến đâu, tồn tại thế nào. Thành công hay thất bại đều là vấn đề cần phải nghiệm cả. Thành công cần xem xét để thành công hơn, thất bại tất nhiên là phải rút kinh nghiệm rồi. Có làm có sai, làm đến đâu điều chỉnh đến đó cũng là phương châm làm việc/sống của nhiều người.
Nếu ai cũng thận trọng, suy tính thiệt hơn, cân nhắc, đắn đo, đôi khi cơ hội vụt qua, thì cũng có người sẵn sàng xắn tay áo, bước đi ngay khi chưa thấy con đường trước mặt có những gì. Mạo hiểm là phải biết liều và cả cứng đầu. Có người cả đời là chuỗi những mạo hiểm. Thành công có, thất bại có, nhưng với họ mạo hiểm mới là ý tưởng (mới), cảm hứng sống…
Một dạo, người ta lào xào lên án giới trẻ thích… sống thử. Sống đến chán rồi không cưới nhau. Sống thử mà không có kinh nghiệm, đôi khi để lại hậu quả nặng nề. Nhưng, những người sống thử cho rằng, họ đâu có sống thử, họ sống thật đó chớ. Thậm chí bây giờ có con, họ cũng chưa muốn làm đám cưới. Ràng buộc hôn nhân chẳng qua là tính pháp lý, khẳng định tài sản.
Cái chính là tình nghĩa bền lâu mới nói chuyện. Chữ “tín” đánh giá tấm lòng với nhau. Bây giờ chữ “tín” quý giá hơn bất kỳ thứ gì khác trên đời! Nhan nhản sự việc người ta lừa đảo nhau, không chỉ trong làm ăn mà còn bạn bè. Có người hỏi: “Thế vợ chồng có tin nhau không?”. Trả lời tin hay không tin đều phải suy nghĩ, không thể phán bừa được!
Vậy là có người nói, vợ chồng còn không dám khẳng định tin nhau huống hồ chi người ngoài. Thế mẹ con có tin nhau không? Câu trả lời đôi khi còn ngập ngừng!
- Xem thêm: Thở với sóng
Như vậy, cuộc sống phải chăng là một chuỗi dài những thử nghiệm? Con cái muốn học ngành này, cha mẹ không ưng bụng ép con học ngành kia. Động viên con, học thử đi, biết đâu lại thích. Đời dài, học bao nhiêu năm chả được. Tám mươi tuổi bắt đầu một ngoại ngữ cũng đâu có muộn. Quả là rất lạc quan!
Trở lại chuyện cải tiến công nghệ. Chính bởi cái gì cũng cần phải biết nên con người sa đà vào công nghệ. Riết rồi thấy lười, ngồi trước màn hình máy tính hay bấm lướt quẹt điện thoại thích hơn tổ chức dã ngoại, nấu ăn ngoài trời hay chơi với con cái.
Bởi vậy, một bình luận dưới tấm hình anh chàng Mark Zuckerberg vào bếp với vợ khiến phải suy nghĩ: “Trong khi Mark phụ vợ nấu ăn thì các anh ngồi bàn phím, hay online bằng tivi, dùng sản phẩm của anh ấy để mà chém gió!”.