Các nhà đầu tư thứ cấp thậm chí còn rao giá thấp hơn mức giá do chủ đầu tư đưa ra nhằm cắt lỗ, dù biết rằng đó là việc cực khó trong hoàn cảnh hiện tại…
Các khu cao ốc vẫn đang mọc lên tại Q.7, TP. Hồ Chí Minh
Nhìn lại để tái cơ cấu
Không cần là chuyên gia kinh tế cũng có thể nhận định rằng thị trường bất động sản sẽ còn khó khăn trong một vài năm nữa, cũng như nhiều lĩnh vực khác, trong bối cảnh ảm đạm chung của kinh tế thế giới. Và cũng như nhiều lĩnh vực khác, những khó khăn, thách thức luôn đi kèm với cơ hội. Với ngành bất động sản, cơ hội đó là các doanh nghiệp có thời gian nhìn lại thị trường, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp mình, từ đó đề ra chiến lược mới giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn để phát triển. Trên bình diện toàn ngành, sự suy thoái của thị trường địa ốc cũng giúp sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém, đầu tư ngoài ngành, làm ăn chụp giựt ra khỏi lĩnh vực đặc biệt này.
Quả bóng bất động sản phình to vào những năm 2007-2008, khi ai nấy đều lạc quan với sự phát triển của cả nền kinh tế nói chung, thị trường địa ốc nói riêng. Bất cứ dự án nào được cấp phép, mở bán đều được các nhà đầu tư thứ cấp săn lùng, không cần quan tâm dự án ấy bao lâu mới hoàn thành, uy tín tài chính và xây dựng của nhà đầu tư ra sao. Nay thì thị trường đã bất động, các nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng như nghiệp dư tìm cách đào thoát khỏi cuộc chơi, giá căn hộ, đất nền liên tục hạ xuống, bong bóng bất động sản thực sự xì hơi.
Có thể nói chính doanh nghiệp đã gây ra tình trạng bong bóng này, một phần nhờ được các nhà đầu tư thứ cấp tiếp tay, và nay doanh nghiệp phải gánh chịu những hậu quả nặng nề khi thị trường đóng băng. Sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn vốn vay từ các ngân hàng và tình trạng thị trường chủ yếu dành cho đầu cơ chứ không dành cho người có nhu cầu thực khiến cho việc mất cân đối cung – cầu ngày càng trầm trọng. Căn hộ diện tích lớn giá cao được xây nhiều thì người mua ít, ngược lại căn hộ diện tích trung bình và nhỏ giá rẻ được người mua chấp nhận thì lại không có nhiều. Trong bối cảnh đó, không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình, tái cơ cấu nguồn lực – nhân lực và tài chính, để cơ cấu sản phẩm phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường, hướng tới sựổn định trong một tương lai dài hạn. Trên thực tế, các doanh nghiệp bất động sản đang thiếu vốn trầm trọng, nhiều đơn vị báo cáo lỗ hàng trăm tỉ đồng, nên làm sao để huy động được vốn là điều mà các doanh nghiệp luôn trăn trở. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết là để tồn tại, sau là nhằm phát triển khi thị trường hồi phục, các doanh nghiệp phải triển khai nhiều giải pháp tìm nguồn vốn. Có thể là việc mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư tư nhân, tìm kiếm đối tác chiến lược, huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…