Khởi đầu, năm 1987, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ấn định 7-4 hằng năm là Ngày thế giới không thuốc là. Nhưng chỉ một năm sau, lại chọn 31-5 làm Ngày thế giới chống thuốc lá. Ngày 31-5-2017, WHO đưa ra báo cáo cho thấy cái giá quá đắt mà thuốc lá gây ra với sức khỏe con người, với kinh tế thế giới, với môi trường hành tinh.
Khảo sát toàn cầu của WHO cho thấy nếu tình trạng hiện nay được giữ nguyên, thì trong thế kỷ XXI, thuốc lá sẽ cướp đi sinh mạng cả tỉ người. Vì thế, Liên Hiệp Quốc đề xuất các biện pháp thụ động: không tiếp thị và quảng cáo thuốc lá, bao bì thuốc lá trống trơn không nhãn hiệu, không hình ảnh, không chữ nghĩa, cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nơi làm việc…
Chất thải từ thuốc lá là rác phổ biến nhất, chứa tới 7.000 hóa chất làm môi trường ngộ độc, gây ung thư ở người. Mỗi năm, 15 tỉ điếu thuốc được bán ra, 2/3 số đó vứt vương vãi vào môi trường. Thuốc lá còn là can phạm phá rừng. Theo các chuyên gia, trung bình một cây bị đốn để có được 300 điếu thuốc lá.
Thuốc lá thực sự là gánh nặng cho kinh tế thế giới. Mỗi năm thuốc lá gây thiệt hại 1.400 tỉ USD cho các dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe. Thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh chết người không truyền nhiễm. Mỗi năm gây ra 7 triệu cái chết, 80% số người chết vì thuốc lá ở các nước có thu nhập trên đầu người thấp. Indonesia có tỷ lệ số người hút thuốc lá từ 15 tuổi trở lên cao nhất thế giới: 37,9%, tiếp đến là Trung Quốc (25,5%).
- Lê Lành theo Le Monde
Xem thêm:
- WHO thúc giục các chính phủ tăng thuế thuốc lá
- Lộ trình chống thuốc lá tại Pháp
- Ngành công nghiệp thuốc lá Mỹ chuộng lao động trẻ em