Tháng 12 dường như là cuộc chạy đua với thời gian, doanh nghiệp chạy đua kế hoạch, anh công chức chuẩn bị làm bản tự kiểm, nhà nông làm bài toán cho vụ mùa năm tới, anh chị công nhân làm con tính số tiền thưởng cả năm (nếu có) mua gì về làm quà cho mẹ, cho em…
Người còn làm được bài tính cuối năm là người biết lo xa, nghĩ gần, biết nhìn lại một năm đã qua và hoạch định cho năm sắp tới.
Có người thở ra, sống hôm nay biết hôm nay, bánh tét lột lần, tới đâu hay tới đó. Bây giờ ra đường như “sống trong sợ hãi”, dừng xe chờ đèn đỏ còn bị tông, cướp giật mà tri hô còn bị chúng quay lại đánh. Chen lấn ngoài đường, về đến nhà an toàn cũng chưa chắc bình yên, chồng bực mình thằng cha kia chơi xấu, vợ ghét đứa nhiều chuyện ở cơ quan… bức xúc mang về gia đình nhỏ. Đôi lúc chuyện bé xé ra to đâm cãi nhau…
- Xem thêm: Nghĩ cuối năm
Ăn gì cũng sợ hóa chất, thuốc trừ sâu, đến dầu chiên còn ngại chiết xuất từ nước thải… Bây giờ đừng nói chuyện làm Lục Vân Tiên, việc ai người nấy biết, chõ mũi vào chuyện người khác, coi chừng! Có người lại nói, trong nhà chưa chắc đã yên, ngồi ăn cơm trong quán mà còn bị xe ủi vô… Riết rồi thấy cuộc sống sao mong manh, bấp bênh quá, kế hoạch tương lai gì cho mệt. Tồn tại hôm nay là mừng rồi!
Không lý cuộc sống bi quan đến thế? Phản biện lại mới thấy, con người bây giờ lạc quan lắm, gì cũng có thể cười được, khóc đó rồi cười đó, mau quên cho nhẹ đầu. Nhiều người quan niệm, mở các trang báo mạng không cướp, giết, hiếp thì thất thoát, phá sản…
Thôi thì, dẫu biết lá cải đó, nhưng xem hình ảnh hoa hậu, người mẫu còn được chút tươi mát khi nghĩ về cái đẹp. Tuy nhiên, xem hình thôi chứ đừng đọc chuyện hậu trường, lắm cái cười ra nước mắt.
Người lo xa, nghĩ về thời thế lại buông tiếng thở dài, bi quan, trong khi người lạc quan chẳng suy nghĩ gì hết. Hôm nay được là mừng, ngày mai có mất cũng là chuyện bình thường của cuộc sống, lên voi, xuống chó, nghĩ quá thêm buồn rồi sinh bệnh.
Mất mát thì coi như của đi thay người, thất bại càng thôi thúc thành công, coi như bản nháp; gặp người cư xử không tốt thì rút được kinh nghiệm, không dính dáng đến họ nữa. Học được bài học nhìn cuộc đời một cách điềm tĩnh như thế là đạt “trình” cao rồi!
Một bạn trẻ có câu trạng thái trên trang Facebook: “Như mọi cuối năm, chiều nay ngồi hí hoáy cộng trừ nhân chia tài khoản còn bao nhiêu, thiếu nợ, ăn xài và để dành được bao nhiêu. Cũng như mọi cuối năm, chẳng dư đồng nào. May mà không thâm vào mớ bạc để dành… nhiều năm về trước. Còn sức còn làm rồi sẽ có dư.
- Xem thêm: Nghĩ cuối năm
Đã bao lần tự an ủi mình như thế”. Bạn trẻ này không bi quan mà ngược lại rất lạc quan và rất biết người biết ta. Không buồn vì năm nay không dư, vui vì năm này không ăn vào cái đuôi của mình. Vậy là đạt yêu cầu rồi. Bạn đã rất lạc quan khi nhìn về phía trước khi cho rằng còn sức làm rồi sẽ có dư.
Mấu chốt vấn đề ở đây: “Sức khỏe quý hơn vàng”. Một năm trôi qua, ít ai “tự kiểm điểm” về việc phung phí sức khỏe. Nay tiệc, mai tùng, riết rồi dạ dày, gan, thận sẽ lên tiếng. Nay kình, mai cãi thể nào trái tim có lúc cũng phản ứng… Thế nhưng, tâm lý con người “hung hăng” ở chỗ còn sức là còn “sân, si”, khi nào… “chết” hẵng hay. Đau đâu, chữa đấy, không vội!
Từ cái “không vội” này mà con người có nhiều điều hối tiếc. Người thân trong gia đình chẳng hạn, cứ nghĩ đã là người thân rồi thì… không vội. Bao nhiêu cuộc vui bên ngoài, trong nhà tính sau. Một ngày nhìn lại, đứa con đã lớn, không còn cần sự chăm sóc của bố mẹ nữa, mới nhận ra đã bỏ phí thời gian đáng lý phải gần gũi con. Mất con cũng chính vì thế!
Thôi thì, làm ăn cả năm, lao đầu vào xã hội như con thiêu thân cũng cố dành chút thời gian để suy nghĩ về mình, mà chủ yếu là sức khỏe. Tuổi càng cao, sức khỏe càng bỏ ta đi. Nghĩ một chút về đứa con đã lớn, lâu nay cha con không có thời gian tâm sự.
Muộn còn hơn không, ngồi lại với con một chút, kéo nhau ra quán cà phê ăn sáng rồi nói chuyện. Biết bao nhiêu thứ để nói với con. Trải nghiệm một năm, được mất trong cuộc đời, bài học thực tế của cha hơn hẳn bất cứ bài học nào trong sách giáo khoa. Ngày mai chưa biết ra sao, nhưng hôm nay, hạnh phúc gần nhất là gia đình và sức khỏe. Đừng để quá muộn!