Thời gian gần đây những thông tin liên quan đến Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) được nhiều người quan tâm, nhất là khi có một số báo động về khả năng chi trả của quỹ này trong một tương lai không xa.
Hiện nay cả nước có 75,8 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bằng 82% dân số; khoảng 13 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc, 200.000 người tham gia bảo hiểm tự nguyện, bằng 23% lực lượng lao động; và 11 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bằng 20% lực lượng lao động.
Nhiều chuyên gia và Tổ chức Lao động Quốc tế cho rằng số người tham gia bảo hiểm thấp có thể đe dọa khả năng chi trả của Quỹ Bảo hiểm Xã hội (BHXH) trong tương lai. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020 có 100% dân số tham gia bảo hiểm y tế; 80% lực lượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp và 50% người dân trong độ tuổi lao động tham gia BHXH trong một cố gắng tạo cân bằng cho quỹ.
Đó là chuyện tương lai, còn thực tế hiện nay quỹ này không mấy sáng sủa. Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp đang nợ BHXH lên tới 9.900 tỉ đồng, trong đó có đến 1.400 tỉ đồng nợ có khả năng mất trắng dù người lao động đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH.
Theo lãnh đạo BHXH Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp đã giải thể hoặc phá sản. Và như vậy quyền lợi của người lao động sẽ không được đảm bảo, trong khi trước đó họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng BHXH cho doanh nghiệp.
Theo quy định của Luật BHXH 2014 có hiệu lực từ đầu năm 2016, Liên đoàn Lao động có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ, trốn đóng BHXH, nhưng việc khởi kiện rất khó thực hiện. Năm 2016, tòa án đã trả lại 77 hồ sơ khởi kiện với lý do “hành vi nợ BHXH là vi phạm điều nghiêm cấm nên chỉ bị xử phạt hành chính”.
Hiện có ba hình thức nợ BHXH làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động gồm: (1) trường hợp người lao động bị doanh nghiệp nợ đóng toàn bộ và hoàn toàn không được thụ hưởng chính sách BHXH, (2) một số doanh nghiệp cố tình chây ì không đóng BHXH cho người lao động và (3) một số không nhỏ doanh nghiệp thực sự khó khăn nên không có khả năng đóng. Nhưng trên tất cả là ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động còn yếu kém, nhất là khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
Trong bối cảnh không mấy sáng sủa như vậy thì hiện nay có đến 1,25 triệu người về hưu, đang hưởng lương hưu nhưng trước đó không đóng một đồng nào vào quỹ BHXH, chủ yếu là cán bộ, công chức và người lao động ở các đơn vị, nhà máy, doanh nghiệp nhà nước.
Số liệu từ Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy tổng số tiền nợ BHXH của các doanh nghiệp nhà nước (tính cả gốc và lãi) đã lên tới 100.000 tỉ đồng, chiếm khoảng 20% tổng số tiền kết dư quỹ BHXH hiện nay.
Ủy ban này đã phải yêu cầu Chính phủ sớm có lộ trình thực hiện chuyển kinh phí từ ngân sách hằng năm vào quỹ BHXH để trả cho những người đã tham gia BHXH trước ngày 1-1-1995.
Để giải quyết tình trạng nói trên, một số ý kiến đề xuất nên thu BHXH thông qua việc trích tiền từ tài khoản của doanh nghiệp mắc nợ nhưng không dễ bởi doanh nghiệp sẽ đối phó bằng cách chuyển tài khoản sang ngân hàng khác, cũng như ngân hàng sợ mất khách nên sẽ không hợp tác chuyển tiền.
Trong khi đó nguồn thu BHXH tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng có vấn đề.
Tại Hội nghị Đối thoại về thực hiện chính sách BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với khối doanh nghiệp FDI mới đây, các nội dung chính được đưa ra gồm mức đóng cao và thủ tục rườm rà, gây khó cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn giải quyết sao đây đối với các lao động người nước ngoài trước khi đến Việt Nam làm việc đã đóng BHXH ở nước bản địa, giờ phải đóng thêm một lần nữa là quá nhiều.
Hay việc công khai thông tin đóng BHXH là không hợp lý, vì tại các doanh nghiệp FDI mỗi lao động có mức lương khác nhau và công khai thông tin cá nhân là điều cấm kỵ.
Để giải quyết khó khăn về BHXH, đã có ý kiến của Bộ Lao động, Thương binh và xã hội là cần tăng tuổi nghỉ hưu nhằm tăng thời gian đóng, giảm thời gian hưởng và để cân bằng mức đóng, mức hưởng. Số liệu của Bộ này cho thấy tuổi hưu trung bình hiện nay là 54,2 tuổi, trong khi tuổi thọ bình quân của người nghỉ hưu kỳ vọng là 79,5 tuổi, tính trung bình thời gian hưởng tới 25,3 năm; trong khi đó, số tiền đóng BHXH chỉ chi trả được trong vòng 10 năm và gây mất cân đối hơn 15 năm hưởng.
Trong khi đó ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội, khẳng định quỹ BHXH và bảo hiểm y tế đều do Nhà nước bảo hộ nên người dân không phải lo lắng “vỡ quỹ”. Đơn cử là lương hưu vẫn được Nhà nước điều chỉnh trong từng thời kỳ nhằm phần nào đảm bảo đời sống của người lao động khi hết tuổi lao động. Hai quỹ này hoàn toàn nằm trong tầm quản lý chặt chẽ của Nhà nước.
Theo quan điểm của vị đại biểu này, Nhà nước phải có trách nhiệm quản lý sử dụng nguồn quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch và lựa chọn các hình thức đầu tư tăng trưởng quỹ an toàn nhất và phải có cơ chế bảo lãnh để tránh sự rủi ro do tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán. Điều đáng quan tâm là Hội đồng quản lý quỹ cần phải tăng cường công tác kiểm tra giám sát chặt chẽ và BHXH Việt Nam nên hình thành một tổ chức độc lập để quản lý và nghiên cứu các hình thức đầu tư có hiệu quả.
Nhưng cho dù những điều trên đây được thực hiện thì tương lai của quỹ bảo hiểm vẫn chưa có gì sáng sủa nếu không cải thiện được tình hình đóng bảo hiểm, trong đó liên quan đến xu hướng muốn nghỉ hưu sớm của người thuộc diện ăn lương ngân sách.
Thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định. Tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỷ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỷ lệ cao, trên 50%.
Theo tính toán của BHXH, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm. Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho một người hưởng, thì năm 2000 giảm xuống 34 người; năm 2012 là 9,3 người; đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho một người hưởng. Khi số người hưởng BHXH một lần hằng năm lớn dần sẽ dẫn đến quỹ phải chi tiền sớm và mục đích an sinh xã hội lâu dài cho mọi người lao động chưa đạt được. BHXH Việt Nam đề xuất, với quy định tăng tuổi nghỉ hưu cần bổ sung quy định: Khi đã đủ tuổi nghỉ hưu mà người lao động tiếp tục làm việc thì tiếp tục được đóng BHXH.
Những ý kiến khác biệt này đều xuất phát từ thiện ý nhưng chưa được mổ xẻ đến nơi đến chốn khiến tương lai vấn đề BHXH vẫn còn là mối bận tâm triền miên.
- Lê Minh Trí