Việc xây dựng và duy trì một hệ thống hỗ trợ rất quan trọng đối với mọi gia đình. Theo nhận định của tạp chí Mỹ Heart Challenge, thực hiện được tiêu chí này có thể giúp cả gia đình nói chung và các thành viên gia đình nói riêng sống tốt, lành mạnh hơn.
Một hệ thống hỗ trợ gia đình có thể là giữa các thành viên trực tiếp hay kết hợp giữa các thành viên gia đình mở rộng và trực tiếp. Hầu hết các nghiên cứu về gia đình cho thấy, những gia đình lành mạnh, biết hỗ trợ lẫn nhau thường có một số phẩm chất nhất định nào đó.
Việc đánh giá cao những chia sẻ là cách thể hiện với các thành viên gia đình rằng bạn quan tâm đến họ. Nếu một thành viên làm điều gì tốt đẹp, lúc ở nhà hay tại công ty, hãy để họ biết điều này. Đơn giản chỉ cần cảm ơn họ đã làm cho bạn cười hay đã dành thời gian bên bạn, và đừng quên thể hiện một cách chân thành. Thể hiện sự đánh giá cao là một cách tuyệt vời để củng cố sức mạnh của các mối quan hệ gia đình.
Brent Blaisdell, giáo sư tâm lý người Mỹ, cho biết: “Các thành viên gia đình cần biết khen ngợi lẫn nhau. Việc thể hiện lòng biết ơn giữa các thành viên là một trong những cách tốt nhất để xây dựng mối quan hệ gắn kết”.
Giao tiếp lành mạnh cũng không kém phần quan trọng, bởi trong gia đình việc giao tiếp có xu hướng gặp khó khăn, nhất là mọi người có nhiều nơi để đi và nhiều việc cần phải làm trong ngày.
Tuy nhiên, những gia đình biết hỗ trợ nhau sẽ làm tăng sự an toàn và giao tiếp trực tiếp giữa mọi người với nhau một cách có cảm xúc. Điều quan trọng là hãy để con cái và bạn đời hiểu được tình yêu và sự hỗ trợ của bạn dành cho họ. Càng thể hiện sự hỗ trợ vững chắc, bạn càng tạo cảm giác thoải mái hơn khi đối diện những vấn đề khó khăn, những mối quan tâm và sự thành công của họ.
Việc phát triển các kỹ năng giải quyết tốt vấn đề cũng cần thiết đối với cha mẹ. Hãy thể hiện trước con cái rằng chúng ta luôn biết cách giải quyết các vấn đề. Trẻ con học hỏi từ cha mẹ của chúng cách phản ứng trước sự việc xảy ra xung quanh, bao gồm việc giải quyết những thử thách trong cuộc sống của chúng.
Cha mẹ nên tạo ra những cách thức tích cực để đối phó với thử thách trong cuộc sống, cho phép con cái một số quyền tự chủ để giải quyết những vấn đề riêng của chúng. Tất nhiên, có lúc cha mẹ cần phải can thiệp, nhưng việc cho trẻ tự giải quyết vấn đề sẽ giúp chúng phát triển các kỹ năng hữu ích đối với phần đời còn lại của trẻ.
Giáo sư Brent Blaisdell cho biết: “Các thành viên trong gia đình lành mạnh luôn chịu trách nhiệm về những việc làm của họ và biết hỗ trợ khi cần thiết. Mọi thành viên cần chịu trách nhiệm những điều họ nói sẽ làm và không làm. Một phần của việc xây dựng một gia đình lành mạnh là có thể tin tưởng vào những người khác, nhưng điều này sẽ gặp trở ngại khi có người không chấp hành.
Một điều quan trọng của việc hỗ trợ là khi giữa các thành viên xảy ra xung đột. Lúc này, việc giúp đỡ mọi người vượt qua những thời điểm khó khăn sẽ giúp các thành viên trở nên gắn bó với nhau hơn”.
Ngoài ra, thời gian chất lượng cho gia đình, như giờ ăn, giờ giải trí và thời gian hỗ trợ sở thích của nhau là một trong số những yếu tố cơ bản của gia đình. Thực tế là chúng ta có vô số cách để làm tốt điều này.
Tuy nhiên, cần bảo đảm thời gian này là chất lượng, chứ không phải số lượng. Hãy đem lại cho con cái và bạn đời sự quan tâm trọn vẹn khi dành thời gian bên nhau, bằng cách tắt điện thoại để quan tâm thực sự đến các thành viên trong gia đình của bạn.