Thỉnh thoảng, trong những giấc mơ cố hương, tôi gặp lại những sợi rơm vàng óng, còn thơm mùi nắng. Những sợi rơm vàng bện chặt vào ký ức tuổi thơ trên con đường tới trường hay qua những cuộc trốn tìm bất tận với bạn bè; để chập tối, tiếng gọi cơm lại vang lên khắp các nẻo đường.
Dường như, không chỉ người làng tôi mà hầu như tất thảy những người nông dân trên khắp dải đất hình chữ S, gặp nhau sau mỗi mùa gặt người ta vẫn thường hỏi: “Năm nay nhà cô/chú được mấy tạ?”. Câu hỏi tưởng riêng mà thành chung ấy không đơn thuần là một lời thăm hỏi thông thường, mà ở đó còn chứa đựng ước ao về những vụ mùa bội thu. Không nói ra thì ai cũng biết, những vụ mùa bội thu ở đây là thóc lúa đầy bồ, đầy sân. Một cách vô thức, người ta mong ngóng những hạt lúa, xem chúng là phần giá trị nhất của cây lúa mà ít người nghĩ đến những sợi rơm cho dẫu những sợi rơm cũng là phần gắn bó bao đời nay trong đời sống nhà nông.
Nếu hạt lúa mang đến những bữa cơm đầm ấm thì những sợi rơm lại mang đến vô số công dụng khác nhau. Đặc biệt, công dụng phổ biến nhất của rơm vẫn là làm thức ăn cho trâu bò và làm chất đốt. Khi chưa xuất hiện bếp điện hay bếp gas như bây giờ thì chất đốt chủ yếu vẫn là rơm. Sau mùa gặt, trong khu vườn của mỗi nhà lại có một đống rơm vàng óng mọc lên. Trước mỗi lần nấu cơm, mẹ tôi đều ra vườn rút một bó rơm to mang vào bếp. Những sợi rơm đã được nắng trời làm cho khô đét, gặp lửa thì cháy ngùn ngụt. Chẳng mấy chốc mà có bữa ăn tươm tất.
Thuở nhỏ, tôi thường được giao nhiệm vụ ở nhà trông nhà để cha mẹ và anh chị ra đồng. Gọi là trông nhà nhưng thực ra nhà tôi khi đó còn nghèo xác nghèo xơ, không có nhiều của cải giá trị; hơn nữa, ở quê ít khi xảy ra trộm cắp. Tôi ở nhà với công việc chính là phơi lúa, trở rơm; những lúc trời chuyển mưa thì xúc lúa vào nhà. Thêm một công việc nữa, đó là canh chừng đến giờ vào bếp nấu cơm. Tôi thường nấu những món đơn giản như cơm, canh; còn món mặn phải đợi mẹ về vì tôi vẫn chưa biết nấu. Có thể, trong mường tượng của ai đó, một thằng bé loắt choắt, gầy nhom sớm phải vào bếp ít nhiều gợi nên sự thương cảm nhưng với tôi lúc đó, lại là niềm vui không dễ gì có được. Đó là khoảnh khắc tôi cẩn thận đưa từng nùi rơm vào bếp, chờ rơm bén lửa cũng là lúc những tiếng nổ lép bép vang lên. Những tiếng nổ ấy đến từ những hạt lúa còn sót lại trên những cọng rơm.
Trong màn lửa đang rộn ràng cháy, những tiếng nổ lép bép như reo vang khiến lòng tôi cũng thành chộn rộn. Tôi vội vàng lấy que, cời từ trong bếp ra những hạt bỏng trắng xốp, tráo từ tay này sang tay kia, miệng thổi phù phù cho hạt bỏng chóng nguội rồi cho vào miệng ăn ngon lành. Tôi xem đó là phần thưởng cho mình. Phần thưởng nhỏ nhoi, có phần đơn sơ là vậy nhưng sau này, dù có đi khắp nơi, dù có nhiều bạc tiền cũng không dễ gì tìm được!
Những năm ấy rơm còn được băm nhỏ, trộn với bùn nhão dùng làm nguyên liệu xây nhà. Ngoài vách tường, thêm một phần của ngôi nhà nữa cũng được góp phần tạo nên từ rơm. Đó chính là mái nhà. Để có mái rơm lợp nhà, người ta thường chọn những thửa ruộng lúa tốt, cây chắc khỏe. Cây lúa được cắt sát gốc, sau khi phơi khô sẽ được vuốt cho sạch sẽ rồi mới đánh tấm lợp. Những tấm lợp được ghép chồng lên nhau, tạo thành mái nhà che nắng che mưa cho biết bao gia đình nơi thôn quê. Nhớ về rơm, tôi nhớ thêm về những đêm mùa đông lạnh căm, khi tấm chăn mỏng không đủ ấm thì mẹ tôi thường lấy rơm lót dưới chiếu. Thuở nhỏ, tôi hồn nhiên gọi đó là nệm rơm. Giấc ngủ đêm mùa đông trở nên ấm áp và sâu hơn nhờ chiếc nệm rơm như vậy.
Cứ thế, những sợi rơm lại len lỏi trong những giấc mơ của tôi, để rồi đến lúc tỉnh, lại bần thần thương nhớ khôn nguôi. Có khi nào, trong mắt nhiều người, tôi là kẻ “rảnh rỗi sinh nông nổi”, là kẻ lỗi thời không? Là võ đoán hay thật, thì tôi biết mình cũng không thể nào khác được. Bởi một lẽ, “mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn” (Nguyễn Huy Thiệp). “Sinh ở nông thôn”, tôi lớn lên trong sự bao bọc của rơm rạ, không nhớ không thương sao được!
Tôi lại càng thương rơm hơn, khi hay tin những mùa gặt gần đây, người nông dân không còn phải tay liềm lội ruộng gặt lúa, sau đó lại xếp lúa lên xe chở về nhà vì đã có máy làm thay. Trên cánh đồng vàng rực như một tấm thảm rộng lớn, xuất hiện những chiếc máy gặt hiện đại. Chỉ một trăm tám mươi ngàn đồng một sào (theo đơn vị ngoài Bắc, tương đương với ba trăm sáu mươi mét vuông), nhoáng một cái, cả thửa ruộng đã được gặt xong. Không những thế, chiếc máy đa năng này còn kiêm nhiệm thêm việc tuốt lúa. Sau buổi, người dân chỉ cần chất những bao lúa lên xe mang về nhà. Không một ai đoái hoài gì đến những ống rơm đang ngổn ngang giữa ruộng. Số rơm này, nếu không có ai mang về thì khi rơm khô, người ta sẽ gom lại rồi đốt luôn trên đồng. Rơm khi đó được “hóa kiếp”, lại thêm một lần tận hiến khi trở thành tro, giúp đất thêm mỡ màu.
Cũng có thể là do tôi cả nghĩ, nên mới nhớ mới thương rơm như vậy. Cũng có thể do tôi dễ mủi lòng, nên cứ đợi chờ một ngày nào đó, gặp nhau sau mùa gặt, người ta sẽ hớn hở mà hỏi nhau: “Nhà cô/chú được nhiều rơm không?”, hay “Đống rơm nhà cô/chú có to không?”. Hỏi xong thì tôi lấy làm chột dạ, thực ra, rơm có cần những điều mà tôi vừa nghĩ đến không; hay rơm biết phận mình, cứ vàng óng ả vậy thôi rồi cũng xong một đời!
Xem thêm: