Cà Mau là tỉnh trù phú nhất về nông lâm thủy hải sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là một bán đảo với phía đông giáp Biển Đông, phía tây giáp vịnh Thái Lan. Đây là một vùng đất như mũi của chiếc thuyền đang vượt sóng của nước Việt tiến vào biển khơi bao la…
Nhìn từ bản đồ tỉnh Cà Mau, chúng ta nhận ra một tam giác phát triển mà đỉnh thứ nhất là thành phố Cà Mau – thành phố dịch vụ thương mại, đỉnh thứ hai là vùng nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, gồm huyện Trần Văn Thời, huyện Phú Tân và cảng cá – thị trấn Sông Đốc, còn đỉnh thứ ba chính là vùng du lịch sinh thái Năm Căn – Đất Mũi.
Nếu có một kế hoạch đồng bộ phát triển hệ thống giao thông vận tải hoàn chỉnh nối liền ba đỉnh của tam giác, tạo điều kiện cho ba vùng trên phát huy được ưu thế sẵn có hiện nay, thì chỉ mười đến hai mươi năm sau, chúng ta sẽ được chứng kiến sự phát triển vượt bậc của vùng đất mũi, trở thành một động lực phát triển mới của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vậy bài toán phải bắt đầu từ đâu?
Nhìn tổng thể vị trí và tiềm năng phát triển của Cà Mau, thì cảng cá Sông Đốc không chỉ phục vụ cho ngư dân Sông Đốc, hay là căn cứ chế biến cho khu vực nuôi trồng thủy hải sản bán đảo Cà Mau, mà còn phục vụ cho ngư dân của các tỉnh đánh bắt xa bờ tại Biển Đông, vịnh Thái Lan và cả vùng ngư trường rộng lớn phía nam nước ta. Vì lẽ này mà trước đây ngư dân Thái Lan cũng cập vào trao đổi hàng (bất hợp pháp) tại đây.
Nếu có được kế hoạch xây dựng cảng cá hiện đại bên cạnh một đô thị đủ tầm như vậy, cộng thêm các chính sách kinh tế phù hợp, Sông Đốc sẽ lan tỏa sự phát triển cho cả một vùng rộng lớn, hợp thành tam giác phát triển cùng với thành phố Cà Mau và vùng Năm Căn. Sông Đốc sẽ trở thành một khu đô thị cảng làm dịch vụ hậu cần, chế biến (thủy hải sản) phục vụ cho cả khu vực Đông Nam Á.
Đương nhiên, câu chuyện phải bắt đầu từ bài toán quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Vấn đề là trên cơ sở quy hoạch tổng thể đó, chúng ta phải chọn đúng điểm đột phá. Nếu không chọn đúng điểm đột phá này để đầu tư nhằm huy động được sức mạnh của xã hội, là vốn của doanh nghiệp địa phương và vốn đầu tư của doanh nghiệp trong, ngoài nước cùng tham gia, thì mọi quy hoạch dù có hiện đại cỡ nào đi chăng nữa cũng chỉ là bài thuyết trình trên giấy mà thôi.
Là một người gốc Cà Mau, cá nhân người viết từng nhiều lần tham gia góp ý với lãnh đạo địa phương ngay từ khi tham gia quy hoạch và xây dựng các đề án phát triển vùng Nhà Bè – TP. Hồ Chí Minh. Điểm đột phá của vùng Nhà Bè chính là khu chế xuất Tân Thuận và tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh (hai hạng mục này đều nằm trong giấy phép của đề án khu chế xuất Tân Thuận). Ở tỉnh Cà Mau, điểm đột phá đó là xây dựng một thị trấn Sông Đốc mới với một cảng cá hiện đại (có hệ thống chế biến, tồn trữ đông lạnh) với quy mô tiếp nhận và cung ứng hậu cần cho 5.000 tàu cá ra vào. Đồng thời, xây dựng tuyến đường giao thông vận tải đủ để xe container đến cảng giao nhận hàng. Với mức đầu tư đột phá này, tương lai tươi sáng cho vùng đất mũi hoàn toàn có thể thành hiện thực, nếu chúng ta nhìn vào sự phát triển của khu vực Nhà Bè – TP. Hồ Chí Minh cho đến hiện tại.
Trung tuần tháng 3-2017, chúng tôi có chuyến tham quan khu sinh thái rừng ngập mặn bán đảo Cà Mau và Tràm chim Đồng Tháp. Đoàn gồm 25 người, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế đang sống, làm việc ở Mỹ, Đức. Đến thị trấn Sông Đốc, nhiều thành viên trong đoàn cảm thấy bất ngờ bởi sự tấp nập của các tàu cá chen chúc trên sông. Điều ngạc nhiên hơn là đã xuất hiện nhiều biệt thự quy mô, sang trọng dọc theo bờ Sông Đốc.
Còn ngay khu thị trấn Sông Đốc sầm uất với khoảng 60 ngàn dân thì lại khá chen chúc, chật chội, đường giao thông trong thị trấn chỉ là những hẻm nhỏ đan xen, rộng nhất không quá bốn mét, có những con hẻm chỉ khoảng mét rưỡi. Tuy nhiên, không khí dịch vụ thương mại ở đây nhộn nhịp không thua gì thành phố Cà Mau. Tiệm vàng, cửa hàng bán điện thoại di động, tiệm làm đẹp cho phụ nữ, quán nhậu, quán ăn, karaoke, v.v… không thiếu thứ gì, cuộc sống về đêm rất phong phú, đa dạng không kém các thành phố lớn. Theo thống kê, nơi đây có khoảng 22 ngàn ngư dân và nhiều dân nhập cư từ các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung vào làm ăn.
Điều đó chứng tỏ sức mua của người dân tại thị trấn Sông Đốc là rất lớn. Một thị trường hoang sơ, đang chờ người đến khai thác. Nhiều anh em trong đoàn chúng tôi thốt lên: “Đây là một tiềm năng kinh tế bị bỏ quên”. Nghe vậy, tôi liền đính chính, làm sao quên được, bởi nếu quên thì tôi đã không cố gắng “lôi kéo” anh em đến tham quan lần này. Ngoài ra, lãnh đạo địa phương nơi đây cũng đã nhiều lần quy hoạch phát triển thị trấn, việc làm này thường được công khai, đưa lên mạng internet. Với tư cách là người từng sống ở vùng đất này, ngay khi còn đang thực hiện chương trình quy hoạch và xây dựng các đề án lớn ở vùng Nhà Bè, tôi đã tham gia góp ý cho việc phát triển thị trấn Sông Đốc.
Tuy nhiên, cho đến giờ, các đề án quy hoạch này vẫn chưa được triển khai. Đây là một đề án phát triển lớn mang tầm liên vùng cấp quốc gia. Và có lẽ, đề xuất của lãnh đạo địa phương lên cấp trên chưa đủ thuyết phục. Điều này khiến các chuyên viên kinh tế trong đoàn chúng tôi đánh giá là “một tiềm năng bị bỏ quên” cũng phải.
Để có thể thực hiện đề án xây dựng mới đô thị Sông Đốc như lãnh đạo và nhân dân tỉnh Cà Mau mong muốn, ngoài việc có một chủ trương, một kế hoạch được phê duyệt ở cấp trung ương, còn phải đề ra quy hoạch phù hợp trên cơ sở thực trạng hiện có. Kế hoạch đó phải khả thi, đồng thời phải đảm bảo lợi ích người dân hiện sống trong thị trấn cũng như lợi ích của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Như đã nói, mấu chốt là tìm ra điểm đột phá cho đề án, để có thể tiến hành việc huy động vốn của doanh nghiệp tham gia vào ngay từ đầu. Đề án này có hai nội dung cốt lõi. Thứ nhất, là phát triển thị trấn mới Sông Đốc gồm một cảng cá hiện đại với khu bến cảng cho tàu cá, khu giao dịch sản phẩm, khu chế biến, khu tồn trữ hàng, khu cung ứng hậu cần chuẩn bị ra khơi, khu neo đậu tàu, v.v…
Trên cơ sở quy hoạch cơ sở hạ tầng cảng cá với quy mô cho khoảng 5.000 tàu cá (gấp đôi hiện nay), một thị trấn mới Sông Đốc phải đáp ứng được cho 120 ngàn dân cư ngụ. Nơi đây cần có đầy đủ cơ sở hạ tầng kinh tế cũng như hạ tầng xã hội ngang tầm một thị xã, như lãnh đạo tỉnh Cà Mau đã quy hoạch. Thứ hai, phải tiến hành xây dựng ngay hệ thống giao thông vận tải nối kết thị trấn mới đến thành phố Cà Mau để đảm bảo xe container lưu thông.
Trước mắt, có thể nâng cấp tuyến đường từ quốc lộ 1 nối qua thị trấn Rạch Ráng (phải xây dựng cầu mới, kiên cố qua Sông Đốc tại Rạch Ráng) đến thị trấn Sông Đốc. Sau này có điều kiện nâng cấp toàn tuyến đường bờ bắc Sông Đốc đến thành phố Cà Mau. Đây là điều kiện không thể thiếu, để đề án trên trở thành hiện thực. (Xem hình phác họa)
Hai nội dung trên phải gắn bó mật thiết với nhau, hỗ trợ nhau phát triển một cách đồng bộ nhịp nhàng. Nếu không, đề án phát triển đô thị Sông Đốc sẽ không khả thi (giống như khu chế xuất Tân Thuận và tuyến đường Nguyễn Văn Linh đã được phê duyệt ngay trong một giấy phép, để sau này phát triển thành khu đô thị Nam Sài Gòn, khu đô thị Phú Mỹ Hưng của TP. Hồ Chí Minh hiện nay).
Đề án quy hoạch phải đặt ở vị trí khả khi, giảm sự di dời người dân hiện đang sinh sống, đồng thời đảm bảo sự phát triển lâu dài của đề án. Mặt bằng quy hoạch của đề án không thể úp chụp lên vị trí trung tâm của thị trấn cũ hiện nay, nhằm giảm thiểu chi phí đầu tư ban đầu, giảm lực cản xã hội (vì nếu bao trùm lên toàn bộ khu thị trấn cũ, sẽ vấp phải lực cản lớn, không khả thi). Vị trí thị trấn mới nên lệch về phía đông một khoảng thích hợp (như hình phác họa dưới đây). Trước mắt, chúng ta có thể xây dựng mới phía bờ bắc trước. Khi có khả năng xây dựng cầu qua Sông Đốc, sẽ phát triển qua bờ phía nam.