Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud đang thực hiện chuyến công du đến nhiều nước châu Á, trong đó có Indonesia, Nhật Bản, Brunei, Trung Quốc và Malaysia. Riêng với Malaysia, Thủ tướng Ả Rập Saudi Najib Razak vừa cho biết nước này đang đầu tư 7 tỉ USD cho dự án hợp tác xây dựng và điều hành nhà máy lọc dầu với Công ty dầu khí Petronas của Malaysia. Chuyến công du châu Á của lãnh đạo một nước lớn Trung Đông thu hút sự chú ý đặc biệt của giới phân tích và phần lớn đồng tình với cách giải thích động thái mới mẻ này của Ả Rập Saudi dựa trên năm yếu tố sau:
Thứ nhất, đó là Ả Rập Saudi đang theo đuổi chính sách đa dạng hóa nền kinh tế, giảm lệ thuộc vào dầu lửa. Họ đứng trước nhiều thử thách trong việc cải tổ nền kinh tế đang chịu nhiều thiệt hại do giá dầu sụt giảm. Trong kế hoạch hiện nay, ngoài dự án hợp tác với Công ty dầu khí Petronas kể trên, Ả Rập Saudi đầu tư một quỹ công nghệ trị giá 45 tỉ USD với hãng Softbank của Nhật Bản, dự trù đầu tư về logistics, cơ sở hạ tầng và công nghệ với Nhật và Trung Quốc.
Thứ hai, là tìm và giữ chân khách hàng. Một trong những trọng điểm của nền kinh tế dựa nhiều vào dầu lửa như Ả Rập Saudi là tìm khách hàng có nhiều tiềm năng cho ngành khai thác dầu thô và Trung Quốc là lựa chọn hàng đầu, vì nước này đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Thứ ba, là tìm kiếm các nhà đầu tư giàu tiềm năng. Theo đó, Tập đoàn dầu lửa Saudi Aramco do nhà nước Ả Rập Saudi điều hành sẽ bán cổ phần công khai vào năm 2018. Đây sẽ là một thương vụ mua bán cổ phần lớn nhất thế giới, dù vẫn còn một số nghi ngờ về sự định giá.
Thứ tư, là một đối sách trước những chuyển biến chính trị ở Mỹ. Trong quá khứ, Mỹ vốn là đồng minh có thế lực nhất của Ả Rập Saudi, về kinh tế cũng như chính trị. Song chính sách thương mại hiện nay của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây lo ngại cho nhiều quan chức trong bộ máy cầm quyền tại Riyadh. Điều này giải thích vì sao Ả Rập Saudi phải hướng về châu Á, nhất là cộng đồng các nước Đông Nam Á, để tìm một đối trọng trước những chuyển biến kinh tế bất lợi của Washington.
Cuối cùng, là đầu tư cho sự mở rộng ảnh hưởng của Hồi giáo. Theo truyền thống cũ, sự viện trợ và đầu tư của Ả Rập Saudi tại Malaysia và Indonesia xuất phát từ chính phủ, các quỹ và tổ chức từ thiện tôn giáo. Nhưng trong những năm gần đây, nhiều người quan tâm đến điều gọi là “chủ nghĩa Wahhabi” (Wahhabism, chủ trương sự thanh lọc tôn giáo) xuất phát từ Ả Rập Saudi đang phát triển ở Đông Nam Á. Tại Malaysia, cô Marina Mahathir, con gái nguyên Thủ tướng Mahathir Mohamad, cho rằng người Mã Lai đang đánh mất bản sắc của họ và có nguy cơ trở thành nạn nhân của chủ trương thuộc địa hóa của người Ả Rập, dựa vào cung cách ăn mặc, nói năng và thể hiện đức tin.
- Lê Nguyễn tổng hợp