Bà mẹ lần đầu tiên tham gia một chuyến đi thiện nguyện, chỉ là tháp tùng theo chị bạn ở nước ngoài về.
Với chủ đề “Chủ nhật yêu thương”, chuyến đi có hai mục đích: một là năm ngoái chị bạn có ủng hộ chương trình một số tiền để xây dựng ba căn nhà cho các em hiếu học có hoàn cảnh khó khăn ở bản xa, hai là các bạn trẻ của chương trình mang sách đến cho các em.
Chỉ có hai người lớn tuổi, còn lại là mười “trai xinh gái đẹp”, tuổi dưới ba mươi. Chương trình hôm ấy họ đi bốn bản, sáng đi hai điểm và chiều hai điểm; sẽ nghỉ ăn trưa tại một bản, là nơi chính tổ chức các chương trình vui chơi, các bản khác chỉ phát quà và mang sách đến nhà một em trong bản, là nhà mà các em nhỏ hằng ngày đến đây đọc sách. Ngoài ra, họ còn mang thức ăn để cùng ăn, cùng đọc sách với các em.
Vì là khách mời nên bà mẹ không biết phần hậu cần. Ban đầu bà cứ tưởng họ mang theo thức ăn nguội, có thể mang ra ăn được ngay. Xe vừa đến nơi, các chàng trai, cô gái trong đoàn ai vào việc nấy thật nhanh (kẻo không kịp thời gian). Điểm tập kết trưa là một vườn điều rộng bên bờ sông. Nhìn các cô cậu trẻ quần jeans, áo thun, balô… bộ dạng rất tiểu thư, công tử, bà mẹ không nghĩ họ giỏi đến thế.
Khi các cô cậu bày nguyên liệu chế biến thức ăn, bà mẹ mới giật mình. Họ mang thịt, rau, cá… chế biến tại chỗ. Người lấy củi, xách nước, nấu canh, nấu mì tôm… phục vụ cho khoảng hơn 50 em nhỏ và người lớn, vừa làm vừa nói cười rôm rả.
Nhóm bên ngoài trải bạt, bày sách để các em nhỏ có chỗ ngồi đọc sách, mỗi cô cậu phụ trách khoảng mươi em, vừa đọc sách, kể chuyện cho các em nghe. Có cô mang theo lược chải tóc, cột gọn gàng cho các em nữa. Họ làm công việc này rất thành thục bởi họ đã theo chương trình nhiều năm rồi, từ khi còn là sinh viên.
Chương trình đọc sách, trò chơi, kể chuyện vừa xong là đến lúc bày thức ăn cũng do các cô cậu phục vụ. Thậm chí, có những em bé quá chưa tự cầm đũa ăn mì tôm được, các cô đút cho các em ăn luôn.
Bà mẹ nhìn các cô gái chàng trai trẻ nhà người bỗng nghĩ đến con mình. Bà biết chắc chắn con bà không làm được như vậy. Muốn như thế, trước hết phải có tấm lòng với tha nhân, biết thương yêu và có tinh thần chia sẻ với người bất hạnh. Ngay chính bà, điểm lại trong cuộc đời, bà có mấy lần đến với những hoàn cảnh khó khăn hơn mình?
Làm nhanh bài tự kiểm, bà thấy mình có nhiều thiếu sót trong cách dạy con chia sẻ cộng đồng. Bà biết, tính ích kỷ và sự cô đơn luôn đồng hành với nhau. Sự cô đơn làm con trẻ cảm thấy bị cô lập, xa cách với mọi người và nảy sinh tính ích kỷ. Người có tính ích kỷ không thể hòa nhập với cộng đồng và khó mà nhận được sự chia sẻ từ cộng đồng. Sống khép kín hay buông thả đều phát sinh từ tính ích kỷ và sự cô đơn.
Không cha mẹ nào mong muốn con mình bị cô lập trong môi trường sống là nhà trường, ngoài xã hội. Cha mẹ muốn con mình hạnh phúc và cũng muốn con mình sống chân thật, biết thông cảm và kính trọng người khác. Tuy vậy, không phải bậc cha mẹ nào cũng ủng hộ con cái tham gia vào các hoạt động xã hội là nền tảng và cơ hội để tạo cho trẻ biết suy nghĩ đến người khác, biết cảm thông và chia sẻ.
- Xem thêm: Nâng cao ý thức trách nhiệm cho trẻ
Khi tham gia vào những công tác tình nguyện, trẻ sẽ biết giúp đỡ người khác. Chúng sẽ học được nhiều đức tính quan trọng cần thiết trong đời sống như sống có trách nhiệm, có tính tổ chức, tính lãnh đạo và tinh thần chăm sóc người khác.
Tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ tạo cho trẻ những cơ hội làm nền tảng vững chắc cho cuộc sống sau này của chúng. Hiểu là như vậy nhưng làm sao thực hiện đây khi con cái của bà đã vào tuổi thành niên hết rồi!
Tuy nhiên, muộn còn hơn không, bà quyết tâm sẽ động viên con mình tham gia các hoạt động thiện nguyện, ít ra sẽ có được một ngày hòa với thiên nhiên, rời xa điện thoại, máy tính… và dần có cái nhìn khác hơn về cuộc sống.
Đi để trưởng thành. Bà mẹ này đang rất muốn con mình được như các cô gái, chàng trai mà bà đã gặp ngày hôm ấy…