Đến hẹn lại lên, phụ huynh và học sinh lại bắt đầu bàn tán xôn xao về kỳ thi tiếp cận thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào tháng 5 sắp tới. Nói nôm na cho dễ hiểu, kỳ “thi thử” này được tổ chức nhằm giúp học sinh làm quen với đề thi, phương pháp làm bài và “không khí” của một kỳ thi quốc gia. Trong khi những người làm giáo dục tỏ ra hào hứng với ý nghĩa của kỳ thi này thì phụ huynh lại cho rằng “thi thử” chỉ gây lãng phí tiền bạc cho họ đồng thời cũng cho thấy những lỗ hổng trong tư duy giáo dục.
Học “thật” sao phải thi “thử”?
Nhìn lại kết quả kỳ “thi thử” năm ngoái, các em học sinh cho biết đề thi do Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra quá khó nên một tỷ lệ không nhỏ học sinh không làm được bài, nhất là môn Toán. Nhiều em ngồi trong phòng thi chỉ trông chờ đến giờ để… ra về. Thậm chí một số em còn không muốn tham gia kỳ thi này. Theo thông tin từ các trường thì số học sinh bỏ thi không ít. Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở khối giáo dục thường xuyên mà cả ở khối phổ thông. Hơn nữa, kết quả của kỳ thi không tính vào kết quả học tập của năm học nên học sinh không mặn mà gì với việc “thi thử”.
Bà Hoàng Minh, 67 tuổi ở Bình Phước ngạc nhiên: “Cách đây hơn 40 năm, thế hệ của tôi cũng đã thi trắc nghiệm bằng hình thức IBM cho tất cả các môn không sót môn nào và hoàn toàn không cần thi thử. Thời đó, học sinh góp tiền để thầy giáo in các bài tập tự ôn trong lớp rồi đi thi. Thế mà chúng tôi ai cũng thi đậu. Từng làm việc trong ngành giáo dục, tôi cho rằng học sinh không cần thiết phải “thi thử”. Đây là kỳ thi vừa gây tốn kém, làm xao lãng sự tập trung của các em vào kỳ “thi thật” mà cả giáo viên, phụ huynh bị áp lực không kém!”.
Ông Nguyễn Văn Thanh, ở quận 12, một phụ huynh có con học lớp 11 thì phản đối có phần gay gắt: “Tôi không tán thành thi thử. Thi thử để làm gì? Nếu trong kỳ “thi thử”, các em làm bài không được, không đủ “chỉ tiêu” thì đề thi chính thức có giảm bớt độ khó không? Rõ ràng “thi thử” là không cần thiết. Vấn đề là trong năm học phải dạy thật chuẩn, nếu các em học không nghiêm túc thì các em phải rớt! Như vậy chúng ta mới chọn ra được những học sinh chất lượng. Còn nếu “thi thử” để các em làm quen với phương án thi mới thì chúng ta cứ áp dụng cách thi này vào các kỳ kiểm tra định kỳ trong trường”.
Về câu hỏi năm học tới có nên duy trì kỳ thi thử nữa hay không, ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện vẫn đang khuyến khích các địa phương tổ chức cho học sinh thi thử nhằm giúp học sinh cuối cấp được cọ xát, làm quen với đề thi. Kỳ thi thử cũng không có mục đích nào khác ngoài việc giúp giáo viên và học sinh nhìn lại kết quả dạy và học của mình để chuẩn bị tốt nhất về mọi mặt, bao gồm cả kiến thức lẫn tâm lý trước khi kỳ thi chính thức diễn ra. Kỳ thi thử hoàn toàn miễn phí, người dự thi không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào, do vậy, có ý kiến nói rằng việc tổ chức kỳ thi chỉ vì “lý do này nọ” là hoàn toàn không có cơ sở.
Thi thật mà “kiến thức giả”
Nếu coi một kỳ thi đơn giản chỉ là đợt đánh giá năng lực học tập, kiến thức thật sự của học sinh thì có lẽ chẳng cần “thi thử”. Vì kiến thức đã có, cách thi dù có đổi khác thì cũng chỉ là xoay quanh những gì các em đã học. Nhưng thực tế hiện nay nếu “thả nổi” cho các em tự xoay xở với kỳ “thi thật” thì chắc chắn con số đậu tốt nghiệp sẽ không còn “đẹp” như trước.
Câu chuyện “thi thử” đã tồn tại hàng chục năm qua khi giáo dục bắt đầu bộc lộ những dấu hiệu của căn bệnh thành tích. Và có một thực tế ai cũng phải nhìn nhận là học sinh bây giờ học chỉ với mục đích chính là đi thi. Ngay trên ghế nhà trường, các thầy cô thường “dọa” các em: “Nếu không học hành đàng hoàng thì chắc chắn sẽ thi rớt!”. Còn ở nhà, phụ huynh đua nhau cho con đi học thêm với niềm tin rằng nếu không học thêm, con sẽ thua kém bạn bè.
Mỗi kỳ thi được hoàn thành là cả thầy lẫn trò đều có thể… thở phào nhẹ nhõm. Phụ huynh và giáo viên an tâm với bảng điểm đẹp là đủ, còn lượng kiến thức của các em hầu như không được quan tâm. Học sinh thờ ơ với những bài lý thuyết khô cứng, ít áp dụng cho cuộc sống mà chỉ quan tâm “phần bài nào sẽ có trong đề thi?”. Vậy hóa ra chỉ có kỳ thi là “thật” còn kiến thức của các em là “giả”?
Trước đây, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã từng “lăm le” ý định không công bố đề thi, đáp án khiến cả xã hội hoang mang. Phần vì lo ngại tính minh bạch, số không nhỏ lại lo các em không biết cách làm bài. Bộ vừa công bố đề mẫu là các trường phấn khởi lên kế hoạch thi thử. Chuyện luyện thi, thi thử, đề mẫu… đã trở nên quá quen thuộc. Và kết quả kỳ thi đôi khi chẳng còn phụ thuộc vào chuyện kiến thức được trang bị ra sao mà là học sinh đã “thử” hay chưa?
Rõ ràng, ngay trong Nghị quyết Đổi mới căn bản và toàn diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhấn mạnh việc giáo dục toàn diện, chấm dứt căn bệnh hư danh, sính bằng cấp. Đổi mới tư duy là điều kiện tiên quyết để chấn hưng giáo dục, nhưng chúng ta vẫn chưa làm được. Trái lại nhiều người vẫn e ngại sự đổi mới, vẫn muốn theo những cách cũ cho an toàn. Giáo dục đòi hỏi phải khơi gợi sự sáng tạo của các em, nhưng đề thi vẫn phải cũ, phải “thử” trước! Khi tư duy vẫn còn cũ kỹ thì e rằng đổi mới chỉ là câu chuyện viển vông.
- Thúy Vân