Công bố kết quả điều tra thực tế hôm 6-10, tổ chức Sofres khẳng định phụ nữ ngày càng lo sợ là nạn nhân kỳ thị ngay tại nơi làm việc, mà chủ yếu vì giới tính (29%), hơn hẳn vì lý do hoàn cảnh gia đình (22%), sức khỏe (20%), bằng cấp (18%)… Còn nam giới chủ yếu sợ bị kỳ thị về tuổi tác. Cố vấn tối cao bình đẳng nghề nghiệp giữa nam và nữ, Brigitte Grésy cũng cho rằng: “Sự kỳ thị về giới là vấn đề đau đầu ở các công ty”.
Nỗi lo sợ ấy tăng – giảm cũng theo giới. Tỷ lệ nam giới sợ kỳ thị lương bổng năm ngoái hạ 4 điểm phần trăm, còn 51%, nữ giới ngược lại, tăng 4 điểm, lên 61%. Chênh tới 10 điểm (51% so với 61%) là đỉnh điểm trong năm năm qua.
Cũng ngày 6-10, liên minh cầm quyền ở Đức hiện nay đề xuất dự án luật buộc các công ty có từ 500 người làm công trở lên phải trả lương cho nam nữ nhân viên của mình như nhau.
Cầm đầu cánh nghị sĩ đảng Dân chủ xã hội SDP ở nghị viện, Thomas Opperman cho biết: “Đây là một bước tiến lớn liên quan tới 14 triệu người làm công ăn lương”. Các công ty 500 người làm công trở lên buộc phải có bước tiến bình đẳng về lương giữa nam và nữ, các công ty dưới 500 nhân viên phải công khai những khác biệt về lương theo giới trong công ty mình. Dự án luật này không áp dụng với các công ty dưới 200 nhân viên.
Theo Văn phòng thống kê liên bang, ở Đức đã có những bước tiến về bình đẳng lương theo giới. Nếu 10 năm trước, sự bất bình đẳng về lương giữa nam và nữ là 23%, thì năm ngoái, sự chênh lệch ấy chỉ là 21%. Hai phần ba sự khác biệt về lương giữa nam và nữ là vì cấu trúc – nữ thường đảm đương các khâu, các vị trí hưởng lương thấp, thời gian làm việc cũng ít hơn, vì phải đảm nhiệm thiên chức làm mẹ, nuôi con, xây tổ ấm gia đình.
Lê Lành theo Spiegel (DNSGCT)