Nhiều nhà sản xuất vải của Thái đang có xu hướng mở rộng hoạt động sản xuất hàng dệt may sang các quốc gia láng giềng để tận dụng chi phí thấp và hưởng những ưu đãi về thuế quan. Cùng với xu hướng này là việc giảm bớt xuất khẩu hàng may mặc thành phẩm từ Thái Lan.
Theo Hiệp hội Dệt may Thái Lan, hoạt động xuất khẩu nhóm hàng vải may mặc của Thái Lan sẽ tăng trưởng mạnh từ các quốc gia láng giềng, đặc biệt là ở Việt Nam và Campuchia.
Ông Vallop Vitanakom, Cố vấn Hiệp hội Dệt may Thái Lan cho rằng, sau khi mở rộng hoạt động sản xuất sang các quốc gia trên trong thời gian vừa qua, doanh thu của mặt hàng vải may mặc của các doanh nghiệp Thái Lan được dự đoán sẽ đạt 21 tỉ baht trong năm nay (tương đương 600 triệu USD).
Dự kiến kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Thái Lan từ các nước này sẽ tăng 40% trong năm 2017. Cùng thời gian này, xuất khẩu vải may mặc của Thái Lan dự báo sẽ giảm 7% xuống mức 2,55 tỉ USD. Tuy nhiên, nếu bao gồm số liệu xuất khẩu từ các quốc gia láng giềng, xuất khẩu vải may mặc của Thái Lan sẽ tăng và đạt giá trị không dưới 3,15 tỉ USD trong năm nay.
Một số nhà bình luận còn cho rằng việc mở rộng hoạt động sản xuất vải may mặc sang Việt Nam nhằm tận dụng ưu thế trong trường hợp Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thực thi thì hàng dệt may Việt Nam vốn là thế mạnh xuất khẩu sẽ phải cần đến một tỷ lệ đáng kể về nguyên liệu được sản xuất nội địa hoặc sản xuất trong các nước thành viên.
Đ.N (DNSGCT)