Sự kiện liên quan đến môi trường sống vẫn là chủ đề được dư luận quan tâm trong tuần qua, nổi bật là những thông tin cho thấy khí độc hại tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hạ Long vượt ngưỡng cho phép.
Báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015 do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện và công bố chiều ngày 29-9 ghi nhận nồng độ khí NO2 trong không khí tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội rất cao do bị ảnh hưởng bởi hoạt động giao thông, công nghiệp, còn tại Hạ Long thì bị ảnh hưởng bởi hoạt động khai thác than và nhiệt điện.
Theo các tài liệu khoa học, NO2 là loại khí rất độc gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi hàm lượng vượt quá giới hạn cho phép. Trẻ em mắc chứng bệnh này thường xanh xao và dễ bị đe dọa đến mạng sống, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Khi bị ngộ độc NO2 thì cơ thể có các biểu hiện như khó thở, ngột ngạt. Với hàm lượng cao hơn có thể gây ức chế oxy dẫn đến hiện tượng thiếu oxy trong máu làm cho cơ thể bị choáng và ngất. Trường hợp nhiễm độc trầm trọng nếu không được cứu chữa kịp thời dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Ngoài ra, NO2 trong cơ thể dễ tác dụng với các amin tạo thành hợp chất tiền ung thư.
Kết quả báo cáo cho thấy chất lượng môi trường không khí ở khu vực nông thôn còn khá tốt. Nhiều địa phương chưa có dấu hiệu ô nhiễm, tập trung ở các khu vực miền núi, vùng thuần nông. Một số khu vực nông thôn bị ảnh hưởng bởi một số hoạt động làng nghề, điểm công nghiệp xen kẽ trong khu dân cư… có dấu hiệu ô nhiễm môi trường cục bộ.
Tuy nhiên, chất lượng môi trường không khí tại nông thôn có nơi bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, không đúng liều lượng gây phát tán một lượng hóa chất độc hại vào không khí.
Vấn đề nổi cộm đối với môi trường không khí xung quanh các khu công nghiệp là ô nhiễm bụi với nồng độ tại nhiều khu đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Tình trạng ô nhiễm tại các khu công nghiệp ở miền Bắc cao hơn miền Nam. Nguyên nhân có thể do miền Bắc gần các khu công nghiệp tập trung cũng có nhiều nhà máy nhiệt điện, sản xuất xi măng với quy mô lớn tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch nên dẫn tới phát thải lượng bụi lớn. Thêm vào đó miền Bắc vẫn tồn tại một số khu công nghiệp cũ, công nghệ lạc hậu, phát sinh nhiều chất ô nhiễm…
Kết quả báo cáo cho thấy, nồng độ khí SO2 (dioxit lưu huỳnh) đo được quanh các khu công nghiệp miền Bắc cao hơn các khu ở miền Nam. Nhưng nồng độ khí NO2 quanh các khu công nghiệp ở miền Nam lại cao hơn các khu miền Bắc. Nguyên nhân do quanh các khu công nghiệp ở miền Nam tập trung các loại hình sản xuất như hóa chất, các sản phẩm kim loại, điện tử.
Báo cáo cũng nêu tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của con người như: ô nhiễm không khí ở thành phố có những ảnh hưởng rất lớn đối với đường hô hấp. Khí thải của các loại xe trong thành phố sản sinh chất gây hại cho phổi. Bên cạnh đó, bụi mịn trong không khí cũng là tác nhân của bệnh ung thư phổi…
Từ các phân tích của báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2011-2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị với Quốc hội các nội dung như: nghiên cứu xây dựng Luật Không khí sạch; nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường theo hướng ban hành luật môi trường hoặc bộ luật môi trường. Đồng thời, xem xét phương án nâng tầm cơ quan quản lý nhà nước về môi trường ở trung ương và địa phương, tương xứng với yêu cầu của thực tiễn.
Trong một diễn biến liên quan đến môi trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa – Thiên Huế bị thiệt hại bởi sự cố môi trường biển do Formosa gây ra.
Theo đó, có bảy nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế, gồm: khai thác hải sản; nuôi trồng thủy sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thủy sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển và thu mua, tạm trữ thủy sản.
Định mức bồi thường thiệt hại được xây dựng trên nguyên tắc xác định thiệt hại của bảy nhóm đối tượng thiệt hại được xác định bồi thường do sự cố môi trường biển tại bốn tỉnh nêu trên. Việc bồi thường được tính từ ngày có sự cố môi trường xảy ra.
Trong đó, với chủ tàu/thuyền không lắp máy bị thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 5,83 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy dưới 20CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 10,67 triệu đồng/tàu/tháng; tàu lắp máy công suất từ 20CV đến dưới 50CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 15,2 triệu đồng/tàu/tháng; chủ tàu lắp máy công suất từ 800CV trở lên thiệt hại do giá thì định mức bồi thường là 37,48 triệu đồng/tàu/tháng.
Đối tượng lao động trên tàu/thuyền không lắp máy thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 3,69 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 5,96 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy dưới 20CV thiệt hại do nằm bờ; đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 20CV đến dưới 50CV thiệt hại do nằm bờ thì định mức bồi thường là 7,65 triệu đồng/người/tháng; định mức bồi thường là 8,79 triệu đồng/người/tháng với đối tượng lao động trên tàu lắp máy công suất từ 50CV đến dưới 90CV thiệt hại do nằm bờ.
Thiệt hại nghề muối định mức bồi thường là 39,37 triệu đồng/ha/tháng.Thiệt hại nghề muối trả một lần. Người lao động bị mất thu nhập định mức bồi thường là 2,91 triệu đồng/người/tháng.
Thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa đồng ý ứng trước 3.000 tỉ đồng để giải ngân cho các đối tượng nằm trong diện được bồi thường sau sự cố môi trường do Formosa gây ra.
Phó thủ tướng lưu ý, việc ứng trước này nhằm đáp ứng nguyện vọng, mong đợi của người dân, đặc biệt các đối tượng bị thiệt hại, sau khi Thủ tướng đã ký ban hành định mức bồi thường cho các ngư dân, các đối tượng bị ảnh hưởng.
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tới đây cơ quan này sẽ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tổ chức đoàn công tác đi bốn tỉnh để phối hợp và giám sát cũng như đôn đốc các tỉnh triển khai bồi thường đến người dân.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cho hay hiện phía Formosa đã chuyển hết toàn bộ 500 triệu USD tiền bồi thường vì đã gây ô nhiễm môi trường biển.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, phần lớn trong số 500 triệu USD đó sẽ được dành cho việc phục hồi, cải tạo môi trường biển, có thể kéo dài tới hàng chục năm.
Gia Minh (DNSGCT)