Sau những giao dịch đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9-2014, mô hình chia sẻ chỗ ở Airbnb đã nhanh chóng mở rộng mạng lưới tại Việt Nam. Đến nay, ngoài TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội dẫn đầu về số lượng thì Đà Nẵng, Hội An, Đà Lạt, Nha Trang, Hạ Long, Phan Thiết mỗi nơi có từ 200 đến hơn 300 điểm lưu trú đăng thông tin trên www.airbnb.com. Dù chưa được đầu tư và quảng bá mạnh như Uber nhưng Airbnb cũng hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển tốt tại Việt Nam.
Mức giá chỗ ở trên mạng Airbnb Việt Nam hiện dao động từ 230 ngàn đồng đến 25 triệu đồng một đêm. Tại TP. Hồ Chí Minh, cho thuê dễ nhất là các căn hộ cao cấp gần trung tâm thành phố. Với mức giá hơn 2 triệu đồng/đêm, các căn hộ này luôn kín lịch đặt phòng trước cả tháng. Trong vòng một năm tới, TP. Hồ Chí Minh sẽ đón nhận hơn 20 ngàn căn hộ hạng sang. Nhiều chủ căn hộ e ngại giá cho thuê sẽ giảm và bắt đầu quan tâm đến Airbnb. Điều bất tiện hiện nay là website của Airbnb chưa có tiếng Việt. Tuy nhiên khi thị trường Việt Nam đủ lớn, công ty này sẽ mở văn phòng chính thức tại đây và khi đó, việc muốn chia sẻ phòng trống, nhà trống sẽ đơn giản hơn rất nhiều vì sẽ có nhân viên Airbnb đến tận nơi hỗ trợ chủ nhà sắp xếp đồ đạc – chụp hình (miễn phí) chỗ ở sao cho hấp dẫn. Ngoài ra, sự phát triển nhanh của phân khúc biệt thự, căn hộ nghỉ dưỡng ở các thành phố biển thời gian qua cũng góp phần làm Airbnb Việt Nam ngày càng sôi động. Thêm vào đó, nếu như Uber có tài xế chuyên nghiệp thì Airbnb cũng có các khách sạn tham gia. Dù chưa phổ biến hiện tại nhưng trong tương lai, Airbnb được dự báo sẽ trở thành đối thủ lớn của các website đặt phòng trong nước nhờ lượng khách quốc tế từ dịch vụ này lớn hơn rất nhiều.
Thành lập vào năm 2008, Airbnb hiện có trụ sở tại Mỹ và có mặt tại 34.000 thành phố ở 200 quốc gia. Cung cấp dịch vụ cho thuê chỗ ở ngắn hạn, Airbnb kiếm tiền bằng cách tính phí giao dịch cho mỗi lần đặt chỗ thành công. Với hơn 2 triệu chỗ ở, hơn 60 triệu lượt khách đặt phòng trong năm 2015, Airbnb đã đạt giá trị 25,5 tỉ USD, cao hơn các tập đoàn khách sạn lớn như Mariott hay Accor. Du khách chọn Airbnb vì tiết kiệm, bởi giá một nơi ở so với khách sạn có cùng tiện nghi và vị trí thường thấp hơn khoảng 30 – 40%. Ngoài ra, du khách thuê phòng cũng có dịp làm quen với chủ nhà, qua đó tìm hiểu thêm văn hóa, đời sống địa phương và nhận được nhiều hướng dẫn thiết thực miễn phí. Airbnb cũng có bảo hiểm tổn thất tài sản lên đến 1 triệu USD cho chủ nhà, còn khách thuê thì được hưởng dịch vụ hỗ trợ khách hàng 24/7.
Bên ngoài mức giá niêm yết, Airbnb thu một khoản phí đối với cả người cần đặt phòng và chủ nhà. Khoản phí đối với chủ nhà ở mức 3% tổng giá trị đặt phòng. Còn mức phí thu khách du lịch ở mức 6 – 12% và mức phí này sẽ hiển thị luôn trong quá trình đặt phòng/căn hộ. Mặc dù mức phí khá cao nhưng dù tính cả phí vào thì du khách vẫn sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với khi đặt phòng khách sạn qua các kênh truyền thống. Dù vậy, so với khách sạn, Airbnb vẫn có điểm hạn chế là phí hủy phòng lên đến 50% tiền phòng và các chủ nhà thường chỉ đồng ý cho khách ở liên tục trên ba đêm.
Cẩm Tú (DNSGCT)