Với hơn 210 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc đa phong cách và thể loại của trên 200 tác giả, triển lãm báo cáo kết quả các trại sáng tác do Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh tổ chức năm 2016 và giới thiệu sáng tác mới của các nghệ sĩ hội viên được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật thành phố (97A Phó Đức Chính, Q.1, từ 20-8 đến 4-9-2016). Về quy mô, đây hẳn là triển lãm lớn nhất trong năm 2016 của giới mỹ thuật thành phố, đồng thời cũng giới thiệu được khá nhiều tranh, tượng có chất lượng nghệ thuật.
Trong kế hoạch hoạt động năm 2016, cho đến nay Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức được chín trại sáng tác ở nhiều địa phương, từ miền Trung đến Đồng bằng sông Cửu Long. Triển lãm này nhằm tổng kết thành quả của các trại sáng tác nói trên và cũng là dịp giới thiệu những sáng tác mới trong năm của các hội viên không có điều kiện dự trại cũng như của các tác giả chưa là hội viên của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Một hội đồng nghệ thuật đã xét chọn nhiều tác phẩm dự triển lãm để đầu tư với ba mức: loại A (18 triệu đồng), loại B (15 triệu đồng) và loại C (13 triệu đồng). Ngoài ra, một số tác phẩm có chất lượng của các tác giả trẻ chưa đạt mức đầu tư được hỗ trợ 5 triệu đồng/tác phẩm.
Có thể thấy sự đa dạng về đề tài ở triển lãm này: từ lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và truyền thống văn hóa dân tộc cho tới công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước trên mọi lĩnh vực, thể hiện những nhân tố tích cực của thời đại; từ sự mô tả, diễn đạt vẻ đẹp miên viễn của thiên nhiên cho đến phản ánh các sinh hoạt đời thường ở nhiều góc cạnh, cũng là cách bày tỏ thái độ của các tác giả trước cuộc sống đương đại, con người đương đại. Có thể thấy được qua những chuyến đi thực tế sáng tác đến nhiều vùng miền, các nghệ sĩ tạo hình Sài Gòn hôm nay đã thật sự rung động trước cảnh và người để gửi tình cảm của mình vào nhiều sáng tác mới. Cũng có thể thấy người nghệ sĩ đã không thờơ trước những cảnh đời còn bất hạnh (Lớp học ở bệnh viện ung bướu – tranh của Nguyễn Văn Phượng) cũng như đưa vào tác phẩm những nguy cơ đang đe dọa môi trường sống của người dân, đặc biệt là qua vụ Tập đoàn Formosa xả thải, giết chết các loài thủy tộc, gây điêu đứng cho ngư dân trên nhiều vùng biển miền Trung (Thảm họa đen – tranh của Trần Châu, Trầm tích đỏ – tranh của Nguyễn Duy Nhựt và hàng loạt tranh, tượng đề tài biển và cá).
Trong bối cảnh đó, nhiều tác tác phẩm là những thông điệp kêu gọi sự chung tay bảo vệ tài sản tự nhiên vô giá, không thể đánh đổi bằng những dự án công nghiệp hủy hoại môi trường sinh thái. Bên cạnh sự ca ngợi các thành quả của tiến trình công nghiệp hóa là lời kêu gọi sự trở về với thiên nhiên, với cuộc sống xanh và sạch khi mà các đô thị đang ngày càng chật chội và ô nhiễm.
Một nét đáng ghi nhận của triển lãm là sự có mặt của các tác giả lão thành, những người đã cống hiến cả đời mình cho mỹ thuật như lão họa sĩ Huỳnh Văn Thuận đã ngoài chín mươi tuổi hay nữ họa sĩ Lê Thị Kim Bạch đã gần tuổi bát tuần. Các vị đã cùng với nhiều thế hệ nghệ sĩ tạo hình của thành phố, trong đó có những người còn rất trẻ làm nên một diện mạo phong phú cho mỹ thuật Sài Gòn hôm qua và hôm nay. Mặt khác, tranh và tượng không chỉ được trưng bày trong toàn bộ các phòng ở tầng trệt khu nhà triển lãm thường xuyên của bảo tàng mà không gian bên ngoài cũng được tận dụng để trưng bày nhiều tác phẩm điêu khắc.
Được biết, trong ngày khai mạc triển lãm Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã công bố tám tác phẩm được đầu tư loại A, 13 tác phẩm loại B và 13 tác phẩm loại C, trao thưởng cho 15 tác phẩm xuất sắc của các tác giả trẻ. Một số tác phẩm cũng đã được chọn đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật thành phố.
Bộ cá – tác phẩm gốm của Nguyễn Văn Trung được tác giả thực hiện khi tham dự trại sáng tác gốm mỹ thuật tổ chức tại Tân Vạn (Biên Hòa, Đồng Nai) vào đầu tháng 4-2016, sau đó đã triển lãm tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh từ 29-6 đến 8-7-2016. Điểm đặc biệt là nhiều tác phẩm tại trại sáng tác đã gắn với một chủ đề rất “nóng”: vụ cá chết do Formosa xả thải. Bộ cá là một trong chín tác phẩm được đầu tư loại A.
- Như Hoa