Những khởi đầu mới luôn có nhiều khó khăn, đó là lý do tại sao có những tổng giám đốc phải quyết đoán, mạnh mẽ và phải làm việc chăm chỉ gấp nhiều lần người khác. Đó cũng chính là cảm nhận của hầu hết những ai đã tiếp xúc với chị Nguyễn Quế Anh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Him Lam Phát triển Trí tuệ Trẻ em Việt – chủ đầu tư dự án mô hình giáo dục Vietopia.
Vietopia là mô hình hoạt động, trải nghiệm thông qua hình thức giáo dục nhập vai những ngành nghề trong xã hội đang rất được ưa chuộng trên thế giới, là kết quả tất yếu khi người dân tại những nước phát triển ngày càng có nhận thức và yêu cầu cao hơn về giáo dục.
Khi biết chị Quế Anh bắt tay vào thực hiện dự án này, nhiều người đã ngần ngại cho chị, bởi “Liệu Việt Nam đã sẵn sàng cho mô hình này?”. Ngay các nước phát triển hàng đầu khu vực châu Á cũng mới bắt đầu áp dụng chưa lâu: Nhật Bản chưa đến mười năm, Hàn Quốc mới hai năm, Thái Lan vừa mở cửa, còn mô hình này ở Singapore dự kiến đến năm 2015 mới đưa vào hoạt động.
Chị Quế Anh nói vui: “Chắc là vì có dòng máu con nhà lính nên tôi đã quen với việc phải sống kiên cường”, trong câu chuyện chia sẻ với chúng tôi về con đường đưa “ước mơ giáo dục” của mình thành sự thật.
Chị có thể giới thiệu rõ hơn về tính chất và quy mô đầu tư của mô hình giáo dục Vietopia?
Vietopia là mô hình Edutainment – giáo dục thông qua các hình thức giải trí dành cho đối tượng trẻ em 4-14 tuổi. Cụ thể hơn, Vietopia là mô hình giáo dục nhập vai giúp trẻ em tìm hiểu về các nghề nghiệp và vai trò của mỗi cá thể trong xã hội, từ đó phát triển sớm nhận thức về cuộc sống quanh mình cũng như trách nhiệm của bản thân trong cuộc sống đó.
Ngoài ra, các trò chơi trong khu trải nghiệm cũng sẽ giúp trẻ trau dồi các kỹ năng tư duy, sáng tạo, óc thẩm mỹ, giải quyết tình huống… Tất cả các hoạt động, trò chơi mà các em sẽ tham gia tại Vietopia đều được phát triển theo một giáo trình giáo dục được biên soạn dưới sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài.
Vietopia được thiết kế xây dựng theo mô hình một thành phố thu nhỏ với tổng diện tích khuôn viên 30.807m2, trong đó diện tích xây dựng là 22.756m2 Q.7, TP.HCM.
Thành phố Vietopia có đầy đủ tất cả các tiện ích, cơ sở cần thiết cho cuộc sống của một thành phố hiện đại: từ các cơ quan hành pháp, kinh tế, sản xuất, chế tạo, trường học, nhà hát, sân thể thao, sân bay, bệnh viện, ngân hàng, trạm cứu hỏa, tàu điện ngầm, viện khoa học không gian, viện nghiên cứu tài nguyên và môi trường…
Thành phố tập trung hơn 70 ngành nghề tiêu biểu, với hơn 100 hoạt động hướng nghiệp nhập vai và có thể phục vụ lên đến 3.500 lượt trẻ/ngày. Đặc biệt, trong thành phố còn có một hệ thống giao thông nối liền giữa các khu vực.
Các hoạt động của Thành phố Vietopia đều được bố trí trong nhà với hệ thống máy lạnh không bịảnh hưởng bởi thời tiết bên ngoài, cũng như để bảo đảm an toàn cho trẻ.
Mỗi trẻ khi bước vào Vietopia đều được gắn một thiết bị định vị GPS, vì vậy các bậc phụ huynh có thể yên tâm cho con mình thỏa sức khám phá khu trải nghiệm mà không sợ trẻ bị lạc. Để có thể xây dựng những tiện ích như vậy, tổng số vốn đầu tư của dự án này là hơn 25 triệu USD, đưa Vietopia trở thành mô hình có quy mô lớn nhất châu Á.
Mang tính chất là một hoạt động hướng nghiệp, tại sao đối tượng của Vietopia lại là trẻ em có độ tuổi từ 4-14 chứ không phải là 15-18, lứa tuổi đang cần định hướng nghề nghiệp, thưa chị?
Vietopia không tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho đối tượng học sinh từ 15-18 vì hoạt động này đa phần cung cấp thông tin để các em chọn lựa được ngành nghề phù hợp trong tương lai. Đích đến cuối cùng của Vietopia là tạo ra một môi trường giáo dục trải nghiệm thực tế ngay từ nhỏ.
Tri thức luôn luôn phải đến trước kiến thức, vì vậy chúng tôi lựa chọn đối tượng là các em trong độ tuổi 4-14 để có thể ngay từ đầu, xây dựng cho các em một nền tảng tri thức vững chắc, điểm mấu chốt trong quá trình hình thành nhân cách của mỗi con người.
Đầu tiên, chúng tôi mang đến cho các em một cái nhìn tổng quát, rộng lớn hơn về cuộc sống quanh mình, có những ngành nghề ít được nhắc đến nhưng đóng vai trò không thể thiếu trong xã hội, ví dụ như nghề vệ sinh cửa kính nhà cao tầng hay lính cứu hỏa, khảo cổ học, sửa chữa ống khí ga dưới lòng đất…
Từ những công việc này, trẻ sẽ bắt đầu hiểu hơn về trách nhiệm công dân của mình, tinh thần vì cộng đồng, đùm bọc và bảo vệ những người khác, và quan trọng nhất, hiểu được rằng đã là lao động thì đều đáng quý và không có nghề nghiệp nào là thấp kém trong xã hội.
Thứ hai, chúng tôi muốn trẻ có thể hiểu được cuộc sống một cách hệ thống bằng chính quan sát của mình. Nếu như nhận thức của trẻ về các nghề nghiệp thường dựa vào các giải thích “giản lược” của người lớn thì ở Vietopia, trẻ có thể hiểu bằng chính trải nghiệm của mình.
Không chỉ là một thành phố, Vietopia còn là một thành phố “lý tưởng” nơi các ngành nghề, các công dân phối hợp và tương tác với nhau bằng tinh thần trách nhiệm, bằng các quy chuẩn đạo đức của một thế giới văn minh. Chính vì vậy, các trải nghiệm ở Vietopia sẽ là bước khởi đầu chuẩn bị cho trẻ trở thành những công dân tốt, có thể thích nghi với một xã hội ngày càng phát triển.
Khác với các khu vui chơi giải trí hiện nay ở Việt Nam, để cộng hưởng với mô hình của Vietopia đòi hỏi xã hội phải có một cách nhìn mới về nhận thức mô hình giáo dục này. Ngay cả các nước phát triển trong khu vực cũng chỉ mới bắt đầu áp dụng mô hình này. Vì sao chị lại quyết tâm thực hiện Vietopia đến vậy và chị mong đợi như thế nào vào sự đón nhận của các bậc phụ huynh Việt Nam với Vietopia?
Tôi tin rằng mình cần phải bắt tay vào thực hiện Vietopia càng sớm càng tốt, để không bỏ lỡ thêm một thế hệ trẻ em Việt nào nữa. Giáo dục không phải là một sản phẩm của xã hội, mà chính là nguyên liệu để phát triển xã hội đó. Mơ ước Vietopia của chúng tôi thật ra cũng có xuất phát điểm khiêm tốn mà thôi.
Từng có thời gian sinh sống nhiều năm ở Nhật với gia đình và con trai mình, tôi nhớ cháu đã hứng thú ra sao khi lần đầu tiên được dẫn đến một khu trải nghiệm như Vietopia tại Nhật. Chính bản thân một người mẹ như tôi cũng không giấu được sự thích thú với một mô hình bổ ích như thế.
Khi trở về Việt Nam sinh sống, tôi mong muốn có một mô hình giáo dục như vậy. Đó là lý do tôi bắt tay vào thực hiện dự án Vietopia này.
Tôi tin rằng Vietopia sẽ được các bậc cha mẹ đón nhận. Phụ huynh của những trẻ từ 4-14 tuổi hiện nay đa phần là những người thuộc thế hệ mới, họ có nhận thức tốt hơn, chủ động hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm các phương pháp giáo dục hiện đại. Vietopia rất khác với những khu vui chơi đơn thuần hiện nay, tôi tin rằng để cho phụ huynh nhận ra điểm khác biệt không khó.
Chị có thấy quá liều lĩnh khi đầu tư hơn 25 triệu USD và một khu đất vàng ở vị trí đắc địa cho một dự án giáo dục, đặc biệt là khi tình hình kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn? Và chị giải quyết bài toán duy trì hoạt động như thế nào?
Không thể nói khi kinh tế khó khăn thì chúng ta ngừng làm giáo dục, mà còn phải đẩy mạnh hơn nữa. Chúng tôi cũng rất may mắn khi tìm được những đối tác cùng chia sẻ chí hướng và ấp ủ về một sân chơi bổ ích cho trẻ em.
Ở các nước phát triển, vé vào cổng của một mô hình tương tự Vietopia khá cao. Riêng đối với dự án Vietopia, chúng tôi sẽ chỉ thu mức phí phù hợp với điều kiện sống của phần đông dân số TP. Hồ Chí Minh. Ngoài sự nỗ lực của nhà đầu tư Vietopia thì hình thức xã hội hóa với sự đồng hành của các doanh nghiệp có tâm huyết với hoạt động CSR (trách nhiệm xã hội doanh nghiệp) cũng là một sự lựa chọn của chúng tôi.
Ngoài ra, để có thể phục vụ tốt cho nhiều đối tượng trẻ em trong xã hội, Vietopia cũng có kế hoạch kết hợp với các đoàn thể và trường học tổ chức các chương trình miễn phí cho các trẻ em khó khăn cũng như giảm giá đặc biệt cho khối trường học.
Cảm ơn chị.