Một trong những dấu ấn mỹ thuật đậm nét tại Thế vận hội mùa hè đang diễn ra sôi động tại Rio de Janeiro chính là tại Cung thể thao dưới nước trong Công viên Olympic ở Barra da Tijuca: gần như toàn bộ các mặt đứng của công trình này cũng như khu vực diễn ra các cuộc thi tài bơi lội được tô điểm bởi tác phẩm của Adriana Varejão, một trong những họa sĩ đương đại xuất sắc nhất của Brazil. Nghệ thuật tạo hình có một vai trò hết sức quan trọng trong sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh năm nay.
Tác phẩm có tên Cá cổ đại tạo ra sóng thần được nữ họa sĩ Adriana Varejão thực hiện từ năm 2008, lấy cảm hứng từ phong trào vẽ graffiti vốn bùng phát như một phương cách chống lại chế độ độc tài quân phiệt đã cai trị đất nước Brazil trong những năm 1964-1985. Cũng trong khu Công viên Olympic ở Barra da Tijuca còn có một tác phẩm hoành tráng của nữ họa sĩ người Nhật Mariko Mori, được thực hiện trên đỉnh thác Véu da Novia cao 58 mét, lấy cảm hứng từ những vòng tròn trên lá cờ Olympic. Đó là một vòng tròn cao 6m, được đặt ở vị trí sao cho khi mặt trời chuyển dịch lại tạo nên sự thay đổi màu sắc hết sức huyền ảo và ngoạn mục nhờ các tia nắng chiếu qua vòng tròn ấy. Hay những bậc thang rực rỡ – một tác phẩm nghệ thuật độc đáo của họa sĩ gốc Chi-lê Jorge Selarón ở Rio de Janeiro cũng được làm mới lại dịp này để chào đón du khách bốn phương…
Cũng gây sự chú ý thị giác đặc biệt là các poster quảng bá Thế vận hội. Có hàng loạt poster được các nghệ sĩ tạo hình thực hiện dịp này, chính thức cũng như không chính thức. Chính thức là các poster được thực hiện theo đặt hàng của Ủy ban Olympic quốc gia Brazil. Vẫn tiếp nối truyền thống làm poster Olympic đã có từ Thế vận hội mùa hè ở Stockholm (Thụy Điển) năm 1912, nhưng năm nay thay vì chọn một họa sĩ để đặt hàng poster chính thức cho Thế vận hội thì Ủy ban Olympic quốc gia Brazil đã mời nhiều tác giả nổi tiếng cùng thực hiện. Bà Carla Camurati, giám đốc phụ trách văn hóa của Olympic Rio nói với hãng tin AP về quyết định này: “Điều quan trọng đối với chúng tôi và Ủy ban Olympic là thể hiện (qua các poster) đất nước Brazil với những sắc màu, với sự lộng lẫy và với vẻ đẹp của sự kết hợp của các dân tộc trên xứ sở này…”. Còn trả lời phỏng vấn tạp chí Paste, bà Camurati lý giải: “Một họa sĩ khó có thể hình dung hết hơn 200 triệu người thuộc các tầng lớp xã hội làm nên quê hương Nam Mỹ này. Các bạn sẽ thấy Brazil và Thế vận hội được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau, từ cậu bé với cánh diều cho tới ngọn đuốc, những vòng tròn Olympic, vân vân…”.
Và như vậy, đã có 13 họa sĩ được chọn và tạo cơ hội để nắm bắt nền văn hóa phong phú, đa dạng của Brazil trên tinh thần của Thế vận hội. Đó là các tên tuổi: Alexandre Mancini, Antônio Dias, Beatriz Milhazes, Claudio Tozzi, Ana Clara Schindler, Gringo Cardia, Gustavo Greco, Gustavo Piqueria, Guto Lacaz, Juarez Machado, Kobra, Rico Lins, Olga de Amaral. Dù đã nổi tiếng từ lâu, song với nhiều họa sĩ đây là lần đầu tiên tác phẩm của họ được phổ biến rộng rãi. Người duy nhất trong số đó không mang quốc tịch Brazil là nữ nghệ sĩ Olga de Amaral của Colombia vốn nổi tiếng khắp Nam Mỹ với các thiết kế hàng dệt may, đặc biệt là cách dùng những sợi chỉ vàng được thể hiện rõ nét qua poster Umbra A-Rio của bà, mang đến một cách nhìn mới mẻ cho Olympic Rio. Trong khi đó, họa sĩ Gringo Cardia đã kết hợp với nghệ sĩ vẽ tranh đường phố Geleia da Rocinha cùng thực hiện bức poster mà theo họ được lấy từ cảm hứng về mối liên hệ giữa các vận động viên với biển cả: “Rio de Janeiro là một thành phố Olympic của môi trường thiên nhiên. Người dân ở đây ưa thích sống ngoài trời, chơi thể thao”, Gringo Cardia nói về poster Aquaplay vẽ người và cá cùng bơi lội giữa biển khơi.
Nếu họa sĩ kỳ cựu Juarez Machado thể hiện Thế vận hội Rio với hình ảnh một lực sĩ đầy cơ bắp, đầu vấn khăn là quốc kỳ Brazil và tay cầm ngọn đuốc Olympic cũng là cánh chim câu hòa bình thì Eduardo Kobra, nghệ sĩ vẽ tranh tường lừng danh (DNSGCT đã có bài viết giới thiệu tác giả này) mô tả mơước bay cao cùng Thế vận hội như cánh diều của một chú bé Brazil. Trong poster Pipas sonhos (Bay lên trời xanh) của Kobra còn có hình ảnh bức tượng khổng lồ Chúa Kitô cứu thế, một biểu tượng văn hóa của Rio de Janeiro và cả đất nước Brazil. Bức tượng cao 30m, với bệ tượng cao 8m và sải tay dài 28m, được đặt trên đỉnh núi Corcovado cao 700m còn được nhiều họa sĩ đưa vào các poster không chính thức của Olympic Rio.
Trước ngày Olympic Rio khai mạc, 13 poster chính thức đã được trưng bày tại Bảo tàng Tương lai (Museu do Amanhã) – bảo tàng khoa học lớn nhất của thành phố Rio de Janeiro, một kiến trúc kỳ vĩ do kiến trúc sư Tây Ban Nha Santiago Calatrava thiết kế theo phong cách vị lai; còn trong thời gian diễn ra các hoạt động thi đấu của Thế vận hội các poster đó được triển lãm tại Công viên Olympic Deodoro. Kết thúc Olympic Rio, 13 poster sẽ được nhân bản với số lượng lớn và đưa về các trường học khắp đất nước Brazil để triển lãm. Theo ước tính, có khoảng nửa triệu người Brazil và các du khách quốc tế sẽ xem những poster này ít nhất một lần.
- Đông Hà