Tháng 7 năm nay, đã có thêm 255 ngàn người tìm được công ăn việc làm tại Mỹ. Con số này vượt khá xa dự đoán của các nhà phân tích, vì theo họ mức tăng chỉ ở khoảng 175 ngàn đến 180 ngàn việc làm vào thời điểm trên. Dù vậy, tỷ lệ người thất nghiệp vẫn không thay đổi, ở mức 4,5% như cũ. Điều này chứng tỏ nền kinh tế Mỹ đang mạnh lên, nhưng với những bước đi chậm và Cục Dự trữ Liên bang (FED) có thể nâng mức lãi suất lên vào cuối năm nay, thay vì vào tháng 9 như dự kiến. Theo Chris Williamson, chuyên gia kinh tế hàng đầu của Công ty IHS Markit, tuy có sự cải tiến của thị trường lao động, nhưng sự tăng trưởng kinh tế diễn ra chậm chạp, sản xuất sụt giảm cùng những bất ổn trong mùa bầu cử tổng thống sẽ khiến cho chính phủ Mỹ buộc phải siết chặt các chính sách của mình cho đến tháng 12-2016. Còn theo chuyên gia kinh tế Doug Duncan thuộc Công ty Fannie Mae ở Washington thì nền kinh tế Mỹ với thị trường lao động hiện nay đang diễn biến theo chiều hướng phù hợp với mục tiêu do FED đặt ra và điều này cổ vũ cho việc FED sẽ tăng lãi suất vào cuối năm nay.
Chăm sóc sức khỏe là một trong những lĩnh vực có sự cải tiến về mặt nhân sự với sự bổ sung của 43 ngàn lao động vào tháng 7 vừa qua. Trong khi đó, các công ty khai thác mỏ bị sụt giảm lao động 26% so với thời kỳ cực đỉnh về nhân dụng vào tháng 9-2014. Tiền công lao động bình quân tính theo giờ cũng tăng 0,3% giữa hai tháng 6 và 7, cao hơn mức dự kiến 0,2%. Tính chung trong vòng 12 tháng kết thúc vào tháng 7 vừa qua, khoản tiền lương được chi trả cho lực lượng lao động tại Mỹ đã tăng 2,6%. Một cuộc điều tra của hai tổ chức Careerbuilder và Emsi Research vừa được công bố vào ngày 5-8-2016 đưa ra dự báo là trong vòng năm năm tới, số việc làm có thu nhập trung bình sẽ giảm xuống, trong khi số việc làm có thu nhập cao hoặc thấp lại gia tăng trên thị trường lao động. Cũng trong vòng năm năm tới, 61% những người mất việc làm sẽ thuộc thành phần lao động có thu nhập trung bình.
Trong lúc vấn đề nhân dụng có những biểu hiện lạc quan thì khiếm hụt thương mại tại Mỹ lại tăng lên trong 10 tháng qua. Mức nhập siêu nhiều nhất ở các mặt hàng dầu lửa và máy tính, điện thoại di động, quần áo sản xuất tại Trung Quốc. Theo những số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố, khiếm hụt thương mại vào tháng 6-2016 là 8,7%, tương đương 44,5 tỉ USD. Điều này sẽ ảnh hưởng đến mức tăng trưởng hằng năm của Mỹ, vì như thế có nghĩa là các công ty Mỹ ít xuất hàng ra nước ngoài hơn trước.
LHCT tổng hợp (DNSGCT)