Hiện nay, xu hướng đi nước ngoài học cao học được rất nhiều bạn trẻ lựa chọn, đặc biệt là những người tốt nghiệp cử nhân từ các trường đại học trong nước. Tuy thời gian học cao học chỉ kéo dài từ một đến hai năm nhưng không thể phủ nhận đây cũng là một khoản đầu tư không nhỏ. Làm sao để biết khi nào nên du học bậc cao học cũng chính là câu hỏi được đặt ra cho nhiều bạn trẻ đang đứng ở ngưỡng cửa bắt đầu sự nghiệp. Và sau đây là ba lý do nên được cân nhắc trước khi các bạn đưa ra quyết định đăng ký vào một khóa học sau đại học.
Mang đến lợi ích gì cho công việc?
Việc du học bậc thạc sĩ được xem là lớp mạ vàng cho bộ hồ sơ của các bạn trẻ, tuy nhiên, không phải lúc nào kết quả cũng xứng đáng với sự đầu tư. Trong nhiều trường hợp, việc du học sẽ mở ra những cánh cửa mà trước đó bạn không thể nào chạm vào. Tuy nhiên, cũng có không ít trường hợp tấm bằng cao học cũng không mang lại khác biệt gì đáng kể. Khi sự bùng nổ về số lượng của các khóa học cao học bắt đầu, cũng là lúc các nhà tuyển dụng mất dần sự mặn mà với tấm bằng cao học. Trên thực tế, nhiều nhà tuyển dụng vẫn coi trọng kinh nghiệm làm việc và cọ xát thực tế hơn là một tấm bằng. Để đăng ký vào một khóa học thạc sĩ hiện nay khá dễ dàng, chỉ cần tốt nghiệp đại học với số điểm khá là đủ. Chỉ một số ngành nghề nhất định mới yêu cầu người nộp đơn phải có kinh nghiệm làm việc. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn từ một đến hai năm, sinh viên đã có thể có một tấm bằng thạc sĩ trong tay. Điều này làm cho tấm bằng thạc sĩ trong mắt nhiều nhà tuyển dụng trông giống một khóa học mở rộng hơn là một minh chứng cho khả năng vượt trội của ứng viên.
Minh Chi – nhân viên marketing chia sẻ: “Sinh viên ra trường lứa mình ai cũng đổ xô đi làm ngành truyền thông và đi học cao học ngành này. Nhưng sau một năm du học từ Anh về, tôi khá thất vọng vì mặt bằng lương không khá gì hơn so với lúc chưa đi du học. Các nhà tuyển dụng cũng có vẻ không mặn mà gì lắm với việc tôi đi du học về mà chỉ quan tâm đến kinh nghiệm làm việc. Từng nghĩ du học về sẽ có nhiều lợi thế hơn hẳn khi xin việc, tôi đã phải thất vọng và chấp nhận vào làm việc từ mức lương tương đương với các bạn mới tốt nghiệp. Mặc dù khi vào việc, tôi cũng có lợi thế hơn vì đã có một số kiến thức nhưng đó cũng chỉ là những kiến thức sơ bộ cần phải được trau dồi thêm rất nhiều ở môi trường làm việc thực tế. Cuối cùng với tôi, những năm tháng du học chỉ có giá trị nhất về mặt trải nghiệm chứ không tạo cho tôi bước ngoặt về mặt công việc như mong muốn”.
Bạn sẵn sàng tiếp tục trong môi trường học thuật
Một trong những lý do khiến nhiều bạn trẻ e ngại việc học tiếp lên bậc cao học là áp lực phải tiếp tục trong môi trường học thuật. Đặc biệt là với những ai đã tốt nghiệp đại học và đi làm được một thời gian, việc đi học trở lại có thể trở nên thật sự “đáng sợ”. Khi đã quen với cách giải quyết mọi chuyện một cách thực tế, thế thì việc phải tuân theo các quy tắc khi đi học như phải tham dự đủ số lượng buổi học nhất định, đạt được số điểm nhất định hay viết bài luận đủ số chữ nhất định mới được qua môn… trở thành chuyện khó. Trên thực tế, ở môi trường làm việc, chỉ cần cách giải quyết vấn đề hiệu quả là được nhưng không thể “mặc cả” như vậy ở lớp học. Đặc biệt là khi khối lượng kiến thức ở bậc cao học sẽ cao hơn bậc đại học rất nhiều. Chương trình bậc cao học cũng yêu cầu sinh viên phải thể hiện được các kỹ năng tư duy, lập luận sắc bén hơn nên số lượng bài luận cũng nhiều hơn cả về số lượng và số chữ. Số lượng bài đọc cũng vì thế mà tăng theo tỷ lệ thuận.
Một trong những cách đểước lượng sức chịu đựng của bản thân là dựa vào các bài thi đầu vào của bậc cao học như GRE hay GMAT. Nếu việc ôn luyện cho kỳ thi này cũng là quá sức hoặc kết quả thi không khả quan, đó chính là dấu hiệu bạn không nên nghĩ đến việc bắt đầu một khóa học cao học. Ngoài ra, với những ai đã quyết tâm muốn đi học, các bài thi này cũng là cách giúp bạn làm quen với độ khó của cấp học này để có thể chuẩn bị tốt hơn.
Việc xác định liệu khả năng của mình có theo kịp chương trình học hay không cũng là một yếu tố rất quan trọng. Nếu mục đích ban đầu của việc du học bậc cao học, trước là tích lũy kiến thức, sau là nâng cao cơ hội nghề nghiệp thì một bảng điểm kém thậm chí còn đảo ngược làm tình hình tệ đi. Đến lúc đó, không chỉ sự đầu tư về thời gian và tiền bạc bị uổng phí mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp của các bạn sau này.
Bạn có yêu ngành học của mình?
Đây chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc cân nhắc có nên tiếp tục việc học cao hơn. Thông thường, rất nhiều bạn trẻ cảm thấy bế tắc và không thoải mái sau khi đi làm và nghĩ rằng mình phải đi du học để làm được những điều mà hiện nay mình không làm được. Tuy nhiên, việc du học bậc cao học không phải là phép thần nếu thật sự bạn không có đam mê và khả năng ở ngành mình đã chọn. Và điều này càng tai hại hơn với những bạn đang chán nản với công việc mình đang làm, đi du học với mong muốn được về làm “sếp” mà không phải làm nhiều nữa. Hãy đọc lại câu hỏi số 1 để hiểu là du học bậc cao học không phải là đường tắt đến thành công.
Ngoài ra, với những ngành học mà bạn không thích thì áp lực học tập sẽ lại càng cao hơn, dễ gây ra các căng thẳng trong cuộc sống. T.N., cựu du học sinh ngành Kế toán chia sẻ: “Gia đình tôi ngay khi tôi học cấp 3 đã vạch sẵn một con đường là theo nghề kế toán của cha mẹ. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi sẽ sang Úc học tiếp để tìm cơ hội định cư vì nước Úc đang rất cần các chuyên viên ngành này. Cố gắng học hết bốn năm đại học với tấm bằng loại khá, tôi sang Úc học tiếp hai năm cao học và trong suốt thời gian đó luôn cảm thấy căng thẳng, ức chế. Đối với một đứa không cẩn thận và dở tính toán như tôi, kế toán thật sự là một ngành quá khó và nhàm chán. Dù tôi đã cố hết sức học, thức khuya dậy sớm và chẳng dám đi đâu chơi nhưng kết quả vẫn lẹt đẹt. Nhiều lúc muốn quay đầu nhưng khoản đầu tư về tiền bạc và thời gian đã quá lớn không biết phải làm sao. Cuối cùng, đến năm thứ hai thì tôi thật sự đuối và không học nổi nên đành phải về nước. Sau đó tôi quyết định đi học nấu ăn và mở một nhà hàng theo ý thích từ lâu của mình. May mắn là đến bây giờ mọi chuyện đã ổn, nếu không cả tôi và gia đình chắc sẽ hối hận lắm”.
Nhật Hà (DNSGCT)