Dự trù kế hoạch trong chi tiêu là một trong những cách hiệu quả giúp tăng ngân sách gia đình, đồng thời tránh được những rủi ro và thiếu hụt về tài chính.
Qua cách chi tiêu, bạn sẽ biết mình có vung tay quá trán, tính toán chi li hay chi tiêu đúng cách. Mời bạn cùng xem bài trắc nghiệm sau:
1. Bạn ấp ủ giấc mơ đi lịch nước ngoài và khi người bạn rủ đi cùng bạn sẽ:
a. Cân nhắc khoản tài chính hiện tại có phù hợp với chuyến đi hay không.
b. Quyết định thu xếp hành lý đi ngay.
c. Tìm cách từ chối và thầm nhủ: “Mình sẽ cố gắng dành dụm tiền bạc để đi vào năm sau”.
2. Thói quen thanh toán các hóa đơn tiền điện, nước, nối mạng… của bạn:
a. Bạn thường xuyên thanh toán càng sớm càng tốt sau khi nhận chúng.
b. Bạn hầu như thanh toán ngay.
c. Bạn thường chờ đến giờ chót mới thanh toán.
3. Khi cần một khoản chi phí lớn để sửa chữa những vật dụng trong nhà, bạn thường chi trả theo cách:
a. Trả bằng tiền mặt vì bạn luôn có sẵn.
b. Tìm cách vay mượn người khác.
c. Thu gom tiền trong thẻ và tiền mặt sẵn có.
4. Bất ngờ có được một khoản tiền lớn, bạn dự tính:
a. Thanh toán hết những khoản nợ nếu có và mua sắm vật dụng cần thiết trong gia đình.
b. Tự thưởng những thứ mình thích như mua sắm thoải mái, đổi xe mới, thay máy tính hàng hiệu…
c. Gửi tiền tiết kiệm.
5. Khi nhận hóa đơn thanh toán của nhà hàng, bạn thường:
a. Nhìn xem các con số được tính đúng hay chưa.
b. Liếc nhanh tổng số tiền là bao nhiêu.
c. Đối chiếu thật kỹ những món đã gọi với khoản thanh toán trên hóa đơn.
6. Ý tưởng về kế hoạch tài chính của bạn là:
a. Cố gắng đạt được những kế hoạch đặt ra như, tránh vay nợ, sửa sang nhà cửa, tích lũy cho con…
b. Đến đâu hay đến đó, chuyện tiền bạc không thể tính toán trước.
c. Làm việc cật lực và tiết kiệm chi tiêu tối đa.
7. Bạn đang kinh doanh, nhưng tiến độ công việc rất chậm. Bạn chọn cách:
a. Tạm ngưng kinh doanh.
b. Tìm cách sang nhượng cho người khác.
c. Bạn không thích công việc này.
8. Bạn bắt đầu lên kế hoạch dành dụm cho tương lai từ khi:
a. Bắt đầu làm việc, kể cả khi làm việc bán thời gian.
b. Việc gì phải vội, cứ chi xài trước đã.
c. Khi người bạn thân của bạn bắt đầu dành dụm.
9. Bạn có lập quỹ dự phòng khi thâm hụt tiền bạc:
a. Rất cần thiết, để không lâm vào cảnh thiếu hụt tiền bạc.
b. Không thật sự cần thiết.
c. Có chứ, bạn tích cóp từng chút một.
10. Gia đình bạn có thường ăn ngoài vào dịp cuối tuần:
a. Thỉnh thoảng ăn ngoài, phần nhiều là ăn uống tại nhà.
b. Đó là thói quen của bạn.
c. Hiếm khi bạn nghĩ đến việc ăn bên ngoài.
Kết quả của bạn:
• Chọn nhiều câu a: Bạn có kế hoạch chi tiêu hợp lý.
Trong vấn đề chi tiêu, bạn có cách tính toán và phân tích rõ ràng. Cách này giúp bạn xác định tài chính một cách hiệu quả. Cách bạn chi tiêu, tiết kiệm luôn hợp lý từ khoản tiền kiếm được và luôn có các khoản dự phòng khi đột xuất. Bạn quan niệm, dù có nhiều tiền bao nhiêu cũng cần chi tiêu đúng cách, có chừng mực nhưng không nên quá hà tiện.
• Khi chọn nhiều câu b: Bạn thường chi tiêu hoang phí.
Bạn không bao giờ cảm thấy tiếc những khoản tiền dư để mua sắm thoải mái. Khi cần thứ gì, bạn muốn mua ngay thay vì cân nhắc hay tính toán lợi hại. Bạn không có thói quen tính toán tiền bạc vì theo bạn, sẵn tiền trong tay mà không chi xài thì quá uổng phí. Giá như bạn nhận thức được giá trị công sức của việc kiếm tiền, hẳn bạn sẽ chi tiêu có chừng mực hơn.
• Trường hợp chọn nhiều câu c: Bạn chi tiêu khá hà tiện.
Tuy có nhiều tiền nhưng bạn vẫn tham công tiếc việc. Khi cần mua sắm, bạn luôn đắn đo suy nghĩ hay suy nghĩ rất lâu, thậm chí chọn giải pháp nào ít hao tốn nhất. Nếu chẳng may bị hao hụt tiền bạc, bạn sẽ rất khổ sở. Thực tế, sống tiết kiệm là tốt nhưng quá hà tiện cũng không nên. Thay vào đó, hãy chi tiêu những khoản hợp lý sau khi đã cân nhắc cẩn thận.