Theo các chuyên gia về thực phẩm và nông nghiệp tham dự Diễn đàn An ninh Lương thực do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức tại trụ sở ADB (Philippines) vào cuối tháng 6 vừa qua, nếu giới trẻ học hỏi được cách trồng trọt cây lương thực và biết ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực nông nghiệp, thì an ninh lương thực sẽ không còn là một vấn đề nan giải. Những người đề xướng việc dùng công nghệ để thu hút giới trẻ châu Á về với nông thôn gồm có Hoonae Kim, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Quốc tế Phát triển Nông nghiệp (IFAD) và Nichola Dyer, quản lý chương trình thuộc Chương trình Nông nghiệp Toàn cầu và An ninh Lương thực (GAFSP). Ông Kim cho rằng hiện có 700 triệu thanh niên sống ở châu Á – Thái Bình Dương, “nếu chúng ta trao quyền cho họ, cho họ được có tiếng nói, tạo cho họ một niềm tin, thì họ có thể quan tâm đến mọi lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp”. Về phần mình, bà Dyer nhắc lại ước tính của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) rằng hằng năm trên thế giới có đến 1,3 tỉ tấn lương thực bị lãng phí. Bà cho rằng rất cần phải hỗ trợ những nước đang cổ xúy cho một nền nông nghiệp thích nghi với sự thay đổi khí hậu, cả về mặt tài chính lẫn kỹ thuật.
Theo ước tính của Ủy ban Kinh tế – Xã hội LHQ, trong năm 2014, khu vực châu Á – Thái Bình Dương có 750 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 15-24, chiếm đến 60% tuổi trẻ toàn thế giới. Nhiều người trong số họ chọn con đường di cư để có được một cuộc sống khá hơn, không thích ở lại nông thôn, mà thích ở các đô thị với nhiều tiện nghi hơn. Ở nông thôn, phần lớn nông dân là những người tuổi cao và ít hy vọng thế hệ trẻ, trong đó có cả con cháu họ, có thể thay thế họ trong công việc của nhà nông.
Đi tìm giải pháp cho vấn đề, Chủ tịch ADB, ông Takehiko Nakao, cho rằng ngành nông nghiệp thế giới cần những cải tiến cấp bách, ứng dụng những công nghệ mới như viễn thám, phân bón đa dạng hóa, thuốc trừ sâu chế tạo từ các chất hữu cơ hoặc các chất liệu trong tự nhiên. Chỉ hai năm sau khi được thành lập vào năm 1966, ADB đã cho vay và hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp với những ngân khoản chiếm 30% tổng mức chi của ngân hàng này. Trong cuộc hợp tác mới nhất giữa ADB với Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) đặt tại Los Banos, Laguna, Philippines, hai bên đã ký một thỏa thuận quảng bá cho an ninh lương thực trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương bằng cách tăng cường hợp tác nâng cao công nghệ trong nông nghiệp. Theo Nakao, đây là một bước tiến mới hướng đến việc đảm bảo cho cư dân châu Á – Thái Bình Dương một nguồn lương thực và chế độ dinh dưỡng tốt hơn.
Trong phạm vi Đông Nam Á, năm 2013, ADB đã ký với Campuchia nhiều thỏa thuận trị giá 70 triệu USD với sáng kiến thực hiện một nền nông nghiệp thích ứng với sự thay đổi khí hậu, trong đó có việc tạo ra những hạt giống mới thích nghi hơn với khí hậu Campuchia. Ngân hàng này cũng cam kết hỗ trợ mỗi năm 2 tỉ USD nhằm đáp ứng yêu cầu về một nền lương thực đủ chất dinh dưỡng, an toàn cho toàn vùng châu Á – Thái Bình Dương, hỗ trợ việc đầu tư công nghệ bậc cao cho vận hành nông nghiệp và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Năm 2025, chỉ riêng châu Á – Thái Bình Dương sẽ có 4,4 tỉ nhân khẩu, phải đối phó với thay đổi khí hậu và nhiều tai ương nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Trong điều kiện đó, sự cải tiến công nghệ là một trong những yếu tố không thể thiếu, vừa nâng cao năng suất nông nghiệp, cải tiến chất lượng nông sản, vừa thu hút giới trẻ ngày càng có nhiều người về với nông thôn.
Lê Cẩn tổng hợp (DNSGCT)