Ngày 23-6, người dân Anh đã có một quyết định lịch sử sau cuộc trưng cầu dân ý, khi 52% cử tri lựa chọn phương án Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) so với 48% chọn việc ở lại.
Cuộc ly hôn chấn động cả thế giới này không chỉ là kết quả của bốn tháng vận động quyết liệt của phe ủng hộ phương án rời EU (Brexit), mà còn là hậu quả suốt bốn thập niên âm ỉ làm lung lay dữ dội “ngôi nhà chung châu Âu” với 27 nước thành viên.
Bốn thập niên âm ỉ
Trên thực tế, các nhà vận động đã từng phát động phong trào rút khỏi EU ngay khi Anh gia nhập khối thị trường chung này vào năm 1973. Vấn đềấy đã ám ảnh nhiệm kỳ của cựu Thủ tướng John Major, lắng dịu dưới thời của Thủ tướng Tony Blair, rồi trỗi dậy một lần nữa khi nền kinh tế rơi vào ảm đạm trong những năm cuối của thập niên trước.
Đương kim Thủ tướng David Cameron và đảng của ông đã tìm cách né tránh vấn đề nhạy cảm trên sau khi nhậm chức, nhưng rồi ông nhận ra rằng không thể nào chống lại được sức ép từ backbencher – các nghị sĩ thứ yếu ở nghị viện – trong việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc rời EU.
Thuật ngữ Brexit – từ ghép giữa Britain (Anh) và exit (rời khỏi) – lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2012 và nhanh chóng phổ biến, trở thành một phong trào chính trị rầm rộ lôi kéo nước Anh vào một vòng xoáy lớn.
Nỗi bất an của người dân trước làn sóng người tỵ nạn càng gia tăng cùng với sức ép ngày càng lớn từ thị trường lao động và dịch vụ công. Trước khi đắc cử, ông Cameron hứa hẹn sẽ giảm số lượng người nhập cư xuống đáng kể. Sau khi tái đắc cử năm 2015, ông đã không thực hiện được lời hứa này khi vẫn có hơn 300.000 người nhập cư tràn vào Anh, khiến người dân giảm sút niềm tin vào khả năng lãnh đạo của chính phủ.
Phe vận động cho Brexit ban đầu tập trung chủ yếu vào vấn đề kinh tế và chủ quyền, nhưng nhanh chóng nhận ra rằng việc “kiểm soát làn sóng nhập cư” mới là thông điệp mạnh mẽ nhất. Họ cũng liên hệ cuộc khủng hoảng nhập cư này với các vấn đề khác của xã hội Anh như thiếu trường tiểu học, thu nhập sụt giảm…
Những người cổ vũ Brexit cho rằng việc Anh rời khỏi EU sẽ có thể tiết kiệm hàng tỉ USD phí thành viên, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn biên giới, giải phóng các doanh nghiệp nhỏ và vừa thoát khỏi các ràng buộc theo quy định của EU.
Chỉ hai ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, đã có gần 3 triệu người – tương đương 10% cử tri đi bầu – ký tên vào trang web của Hạ viện nước này yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, thế nhưng giới chuyên gia cho rằng khả năng này khó xảy ra. Theo tờ Guardian, trang web của Hạ viện có lúc đã sập vì hàng trăm ngàn người cùng lúc truy cập vào. Những người tham gia ký tên chủ yếu sinh sống ở các thành phố lớn ở Anh, trong đó thủ đô London chiếm số lượng nhiều nhất.
Một thông tin khác đáng quan tâm là sau khi kết quả Brexit chính thức công bố, có hai câu hỏi được tìm kiếm nhiều nhất trên Google tại Anh là “Rời EU có ý nghĩa như thế nào” và “EU là gì”.
Điều này cho thấy có một bộ phận không nhỏ người dân Anh khá dễ dãi trong quyết định bỏ phiếu của mình liên quan đến một vấn đề cực kỳ quan trọng, không chỉ cho tương lai nước này mà còn ảnh hưởng đến tương lai của châu Âu cũng như đến tình hình kinh tế toàn cầu.
Ảnh hưởng tức thời và hiệu ứng domino
Thị trường sụt giảm mạnh là ảnh hưởng nhãn tiền đầu tiên sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý được công bố. Tỷ giá đồng bảng có thời điểm giảm tới 11%, chỉ còn 1,37 bảng/1 USD, mức thấp nhất kể từ năm 1985, trước khi phục hồi chút ít.
Chỉ số Stoxx Europe 600 của thị trường chứng khoán châu Âu giảm 6,6% không lâu sau khi mở cửa, mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Giá dầu thô giảm hơn 6%, trong khi giá vàng – loại tài sản được xem là “vịnh tránh bão” trong những thời điểm bất ổn – tăng tới 8%. Chỉ số FTSE 100 của thị trường chứng khoán Anh giảm 8%, chỉ số DAX của chứng khoán Đức mất 6% điểm số.
Giá cổ phiếu các ngân hàng và bảo hiểm của châu Âu lao dốc chóng mặt. Sự giảm giá diễn ra ở tất cả các nhóm cổ phiếu ngành.
Về mặt chính trị, Thủ tướng Anh David Cameron đã tuyên bố sẽ từ chức trong vòng ba tháng tới.
Việc cử tri Anh lựa chọn ra khỏi EU đã làm dấy lên lời kêu gọi của các đảng cánh hữu trong khu vực về việc tổ chức các cuộc trưng cầu dân ý tương tự cho mỗi nước. Người ta lo ngại xu hướng này sẽ đẩy châu Âu và cả thế giới vào bất ổn không chỉ về kinh tế, chính trị mà cả an ninh.
Một hệ quả khác là chính Vương quốc Anh có thể sẽ tan đàn sẻ nghé. Đã có những lời kêu gọi từ Bắc Ireland và Scotland – những thành viên trong Liên hiệp Anh – đòi giành con đường chính trị riêng cho mình. Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon nói Nghị viện Scotland nên được trao quyền tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác “nếu Scotland đối mặt khả năng phải rút khỏi EU, bởi sự ra đi này đi ngược ý nguyện của chúng tôi”.
Đảng dân tộc chủ nghĩa lớn nhất Bắc Ireland là Sinn Fein cũng kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý để tái hợp nhất Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland.
Theo BBC, thủ lĩnh Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (FN), bà Marine Le Pen, một ứng cử viên sáng giá cho cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, tuyên bố người Pháp ngay lúc này cũng phải có được quyền lựa chọn như người Anh.
Chính trị gia chống người nhập cư Geert Wilders của Hà Lan nói nước này xứng đáng có một cuộc bỏ phiếu “Nexit” (từ ghép giữa Netherlands và exit). Hà Lan sẽ tổ chức tổng bầu cử vào tháng 3-2017 và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 54% người dân muốn được trưng cầu dân ý.
Đảng cánh hữu Liên đoàn phương Bắc của Italia cũng tuyên bố: “Giờ đến lượt chúng tôi”.
Hiệu ứng dây chuyền của Brexit thậm chí có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình đòi độc lập của xứ Catalonia và xứ Basque tách khỏi Tây Ban Nha.
Đảng Dân chủ Thụy Điển, một đảng chống người nhập cư, viết trên mạng Twitter: “Giờ chúng tôi chờ Swexit!” (từ ghép giữa Sweden – Thụy Điển và exit).
Ông Kristian Thulesen Dahl, thủ lĩnh Đảng Nhân dân của Đan Mạch, nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý sẽ là “một biện pháp dân chủ tốt”.
Những diễn biến trên đây có thể khiến EU mất dần sức nặng trên trường quốc tế và thất bại trong tư thế một liên minh chính trị, thậm chí đe dọa sự tồn tại của EU. Hiện nay các lãnh đạo EU đang nỗ lực trấn an dư luận lục địa để tránh hiệu ứng domino.
Mất hai năm để rời EU
Dù cuộc trưng cầu dân ý tại Anh đã có kết quả như đã biết, nhưng đây không phải là cơ sở pháp lý ràng buộc để Anh có thể “ra đi” ngay lập tức, vì theo luật của nước này Quốc hội mới là cơ quan đưa ra quyết định cuối cùng.
Mặt khác, Thủ tướng Anh David Cameron cũng có quyền bỏ qua kết quả của cuộc trưng cầu dân ý, sau đó kêu gọi một cuộc bỏ phiếu mới trong Quốc hội, vốn chiếm đa số bởi các nghị sĩ ủng hộ Anh ở lại EU. Như vậy, trong trường hợp Quốc hội không tuân theo “ý dân” thì kịch bản Anh rời khỏi EU cũng không thể xảy ra.
Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, với việc đa số người dân đồng ý để Anh ra khỏi EU như cuộc trưng cầu dân ý vừa qua thì Quốc hội có khả năng cao sẽ thuận theo kết quả đó vì khó có nghị sĩ nào muốn chống lại nguyện vọng của người dân và công khai vận động để đảo ngược lại điều mà phần lớn công chúng Anh đã lựa chọn.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những vấn đề nội bộ mà nước Anh phải giải quyết trước mắt, còn nếu xét đến những quy định của EU thì quá trình xin rời khỏi tổ chức này còn phức tạp và phải trải qua nhiều bước trong vòng ít nhất hai năm thì Anh mới chính thức không còn là thành viên EU.
Đầu tiên, Anh cần tuân theo những nguyên tắc cơ bản đã được quy định cụ thể trong Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về Liên minh châu Âu (2007), theo đó thông báo chính thức với Hội đồng châu Âu (EC) về việc nước này muốn rời khỏi khối. Sau đó, Anh sẽ phải tiến hành thảo luận với EC để đưa ra khung pháp lý trước khi bàn đến những vấn đề chi tiết cho việc rời khỏi EU. Ngoài ra, Anh cũng sẽ thương lượng về các thỏa thuận thương mại với các nước thành viên còn lại của EU.
Sau khi hoàn tất các cuộc đàm phán, nếu các bên cùng nhất trí với những điều khoản đưa ra thì hai cơ quan lập pháp của EU là Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng Liên minh châu Âu (CEU) sẽ bỏ phiếu thông qua quyết định cuối cùng. Thời gian để Anh kết thúc đàm phán dài hay ngắn còn tùy thuộc vào sự sẵn lòng của các nước thành viên EU.
Hiệp ước Lisbon quy định, thỏa thuận giữa các bên chỉ có hiệu lực nếu được Nghị viện châu Âu và 72% thành viên EU còn lại, đại diện tối thiểu 65% dân số, thông qua.
Suốt trong giai đoạn đàm phán, Anh sẽ vẫn tuân thủ theo các điều ước và luật của EU, nhưng lại không được tham gia vào bất kỳ quyết định nào của EU. Và khi đã rời EU, nếu muốn tái gia nhập, Anh sẽ phải thực hiện lại từ đầu quy trình như một ứng viên mới vào liên minh.
- Tổng hợp