Đầu tháng 6 vừa qua, nhận lời mời của Hiệp hội nghệ thuật Đông Dương (Indochina Arts Partnership – IAP) và Trường Đại học Lasell ở thành phố Boston, bang Massachusetts, họa sĩ Lê Huy Tiếp đã thực hiện một cuộc triển lãm về tranh in Việt Nam tại gallery Wedeman trực thuộc Trung tâm văn hóa và nghệ thuật Yamawaki của thành phố Newton, cách Boston không xa.
Với tên gọi “Lê Huy Tiếp và xưởng vẽ của ông”, triển lãm giới thiệu 20 tranh in của họa sĩ Lê Huy Tiếp và 20 tranh in của các họa sĩ Nguyễn Bạch Đàn, Đặng Ngân, Nguyễn Đức Hòa, Nguyễn Đức Hùng, Phạm Tường Minh, Ngô Anh Cơ, Lê Thế Anh, Nguyễn Ngọc Tùng, Vũ Bạch Liên, Nguyễn Vũ Quyên (Hà Nội); Nguyễn Phú Hậu, Trần Văn Quân, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Thành Công và Huỳnh Phương Đài Trang (TP. Hồ Chí Minh); Lê Thị Thanh (Thanh Hóa), Phan Hải Bằng, Lê Văn Ba (Huế); Dư Minh Chiến (Cà Mau) và một tác giả nước ngoài là Virginie Faivre đến từ Brussel (Bỉ) – những người đã sáng tác tranh in với nhiều thể loại khác nhau dưới sự hướng dẫn kỹ thuật của họa sĩ Lê Huy Tiếp, một gương mặt kỳ cựu của mỹ thuật Việt Nam không chỉ nổi tiếng với các tác phẩm hội họa mà còn được biết đến như một nghệ sĩ đồ họa xuất sắc.
Triển lãm đã giới thiệu được nhiều kỹ thuật in tranh đồ họa đang được áp dụng ở Việt Nam như in khắc gỗ truyền thống, in lưới, in đá (lithograph), in phối chất (collagraph), in kẽm. Song song với triển lãm, họa sĩ Lê Huy Tiếp còn thực hiện các workshop trao đổi kỹ thuật đồ họa với các nghệ sĩ của Trường Lasell tại xưởng đồ họa của Carolyn Muskat, một nghệ sĩ in ấn bậc thầy ở Boston. Họa sĩ Lê Huy Tiếp cho biết: sau chuyến đi này, những kỹ thuật mới về tranh in từ cuộc trao đổi với các đồng nghiệp Mỹ sẽ được ông truyền đạt lại cho các họa sĩ trong nước thông qua các workshop tương tự mà ông đã tổ chức trong nhiều năm qua.
Dù trời mưa tầm tã vào đúng ngày khai mạc triển lãm “Lê Huy Tiếp và xưởng vẽ của ông” nhưng đã có tới hơn trăm khách mời đến dự, có người ở tận Chicago, Washington D.C, New York, New Haven… Nhiều người trong số đó đã giúp đỡ họa sĩ Lê Huy Tiếp xây dựng xưởng in tranh tại Hà Nội, đặc biệt là họa sĩ David Thomas, giáo sư mỹ thuật của Đại học Boston, người thành lập IAP từ năm 1988. Được biết, IAP là một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập với mục đích kết nối văn hóa và nghệ thuật giữa hai nước Việt Nam – Hoa Kỳ qua các hoạt động giáo dục, phát triển sáng tạo và trao đổi. Hoạt động của IAP trong hơn 25 năm đã đưa hơn 100 nghệ sĩ Việt Nam sang học tập và làm việc tại Mỹ, mặt khác đã có nhiều đoàn nghệ sĩ, giáo sư, sinh viên nghệ thuật từ các trường học, học viện của Mỹ sang Việt Nam tham quan, giao lưu, làm việc; từ đó tạo ra những cơ hội kết nối, hợp tác giữa hai bên. Trong những năm tới, IAP vẫn chú trọng vào hoạt động hiện có nhưng đi vào chiều sâu và đa ngành hơn, cũng như mở rộng mối quan tâm đến ngữ cảnh nghệ thuật Đông Nam Á, với trọng tâm ở Việt Nam.
- Ngã Văn