Hai họa sĩ Trần Trọng Vũ và Christine Jean đã có một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa với biểu tượng hoa trong triển lãm – sắp đặt “Điểm gặp” – đang diễn ra tại sảnh trưng bày của Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace, 24 Tràng Tiền, từ 12-5 đến 5-6-2016).
Trần Trọng Vũ, con trai nhà thơ Trần Dần, đã tìm đến hoa như một cách để anh giãi bày không gian của thi ca. Ẩn sâu sau vẻ ngoài phù phiếm của những sắc màu rực rỡ như một biển hoa bằng nhựa choáng ngợp không gian ba chiều, trải dài từ trên cao xuống, anh dẫn dụ người xem vào những ngôn từ chân thực đầy mơ mộng. Những vần thơ Trần Dần như cháy lên trong từng cánh hoa màu cam, màu vàng… lấp lánh: “Thơ với tôi như tôn giáo/ không nhà thờ/ không giáo chủ/ chẳng tăng sư”. “Con người mới/không buồn/nếu quả vậy/ thôi/ không làm/ người mới”. “Thơ là mạng sống là lý lịch thật đời tôi”…
Đưa người xem vào bên trong tác phẩm của mình, cho họ được sống, được thỏa sức tưởng tượng, được chạm vào những góc khuất của tâm hồn, suy tư về những nghịch lý đầy đau đớn của cuộc đời, Trần Trọng Vũ đã không ngừng đặt câu hỏi với chính mình, và rồi lại tiếp tục mơ mộng với những cánh hoa: “Thôi em ơi đừng mất công đi với ánh chiều tà…”, “Tôi có vệ tinh/ rồi có/ nhà ga xanh/ nhà ga tím/ trong vũ trụ chẳng hiền lành”, “Tôi vỡ nợ với địa cầu/ vỡ nợ với trăng sao/ vỡ nợ chán vạn chiêm bao/ ngút mắt cò bay xào xạc/ những xớn xác đêm hè/ những ngao ngán xốn xang…”.
Nữ họa sĩ Pháp Christine Jean lại là một hành trình ngược chiều vào thế giới nội tâm với những tranh vẽ hoa. Hoa trong thế giới của Christine Jean là những gam màu u buồn, chồng chất những vết nứt của ký ức, của thời gian, ánh lên tiếng thì thầm vô vọng của thiên nhiên đang hấp hối. Lấy thiên nhiên làm nguồn cảm hứng và chất liệu nghệ thuật, Chrisine Jean muốn thiết lập mối liên hệ giữa con người với thiên nhiên bằng mọi chiều suy nghĩ, liên tưởng. Sự sinh trưởng, lụi tàn và biến đổi, tiếng vọng từ tự nhiên cũng là tiếng lòng của nghệ sĩ. Những bức chân dung thiếu nữ của Christine cũng bị che phủ bởi một lớp bên ngoài của hoa lá và cây cỏ. Những hốc mắt đen xì, mục ruỗng, chìm sâu dưới những cánh hoa…
Trần Trọng Vũ và Christine Jean đã có cuộc hẹn từ bức ảnh chụp một biển hoa ở Việt Nam. Bức ảnh đã trở thành nguồn cảm hứng cho triển lãm “Điểm gặp”. Bằng hai con đường khác nhau, một người với các tác phẩm hai chiều và người kia với ba chiều không gian rộng mở, họ đã mang đến cho khán giả cuộc gặp gỡ thị giác và phi thị giác của hội họa và sắp đặt. Hình ảnh được gợi ý bởi ngôn từ, đôi khi chính nó lại mở ra những điều phi thị giác như lời nói. Nhưng nếu như hình ảnh là cuộc tiếp cận đầu tiên của con mắt thì ngôn từ lại cần đến một sự kết nối sâu sắc hơn, vượt ra khỏi những cảm nhận thị giác ban đầu.
Năm 1992 Christine Jean lần đầu tiên đến Việt Nam, tại TP. Hồ Chí Minh cô gặp các họa sĩ Nguyễn Trung, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Tấn Cương, Trần Văn Thảo… và từ đó trở thành bạn thân với họ. Christine thích đi bộ giữa phố, hòa vào dòng người lam lũ, tiếp xúc với người dân, học tiếng Việt. Cô tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc vì được làm việc với các họa sĩ trẻ của Sài Gòn những năm 1990, khi Việt Nam mới mở cửa. Không khí nghệ thuật thời đó thật sôi động. Bây giờ không khí hội họa ở Hà Nội và Sài Gòn khác xưa nhiều quá, một số họa sĩ có thể nổi tiếng, bán tranh ào ào nhưng tác phẩm có giá trị nghệ thuật thực sự thì hiếm lắm”. Hỏi Christine Jean điều gì ám ảnh cô nhất khi vẽ, Christine Jean nói: “Đó là quan hệ giữa tôi và thế giới tôi đang sống. Ban đầu khi mới cầm cọ, tôi thích vẽ những gì đẹp đẽ. Nhưng sau này, tôi lại muốn phá hủy cái đẹp đó để vẽ cái hiện thực, cái tôi đang thấy hằng ngày. Hiểu được những chuyển động của thiên nhiên, của con người, gió, bầu trời, bão táp… Khi tôi vẽ, có những tầng lớp ký ức chồng lên, lẩn khuất những bí ẩn đằng sau mà tôi muốn khám phá bằng năng lượng của sự chuyển động. Vẽ là thời gian. Những chuyển động ấy rất gần với kỹ thuật của sơn mài mà tôi chịu ảnh hưởng: vẽ, tẩy đi, rồi lại vẽ chồng lên những lớp mới…”.
Trần Trọng Vũ sinh trưởng tại Hà Nội, hiện sống và làm việc tại Pháp. Năm 1987, anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, được học bổng của Trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp (Ecole Nationale des Beaux-Arts) tại Paris năm 1989. Nhận giải thưởng năm 2011-2012 của Quỹ Pollock-Krasner (hỗ trợ các nghệ sĩ tạo hình trên toàn thế giới có thành tích nghệ thuật và có nhu cầu được ủng hộ tài chính để làm việc).
Christine Jean sống và làm việc tại Paris, đã thực hiện nhiều triển lãm trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, được trao giải thưởng hội họa Jean-François Millet (1814-1875, họa sĩ Pháp, nổi tiếng với những tác phẩm vẽ nông dân và nông thôn, có ảnh hưởng quan trọng đối với thời kỳ đầu sáng tác của Vincent Van Gogh).
- Kim Yến