Ngoài những chương trình du học dài hạn, Hoa Kỳ còn có những chương trình du học ngắn hạn dành cho sinh viên đến làm việc và lãng du. Đó là chương trình “Work and Travel” (làm việc và du lịch). Từ giữa tháng 6 hằng năm, “Work and Travel” thu hút nhiều sinh viên Việt Nam ở mọi miền đất nước.
Thêm kỹ năng, rèn thể lực
Sinh viên ViệtNamcó thể đăng ký chương trình “Work and Travel” (W&T) ở Mỹ vào mùa hè và mùa đông, tuy nhiên, nhiều sinh viên chọn mùa hè, là mùa mà sinh viên được nghỉ dài nhất.
W&T là chương trình trao đổi văn hóa, do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ giám sát. Mục đích của chương trình nhằm hỗ trợ sinh viên Việt Nam nâng cao kỹ năng rèn luyện bản thân, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giao lưu văn hóa giữ hai nước Việt Nam và Mỹ. Chương trình dành cho sinh viên từ 18 đến 28 tuổi của các trường đại học và cao đẳng thuộc hệ chính quy tại Việt Nam. Thông qua chương trình, các sinh viên không chỉ tích lũy kinh nghiệm làm việc tại Mỹ, nâng cao kỹ năng Anh ngữ, học hỏi văn hóa của nhiều quốc gia (vì có thể làm chung với sinh viên đến từ nhiều nước khác) mà còn có cơ hội du lịch ở một đất nước rộng lớn như Hoa Kỳ.
Minh Tâm, sinh viên ĐH Ngoại thương TP.HCM, tham gia chương trình W&T cho biết: “Sinh viên ViệtNamcó thể nâng cao các kỹ năng làm việc theo nhóm, làm việc độc lập, biết cách lên kế hoạch, sắp xếp công việc. Quan trọng nhất là trình độ tiếng Anh tiến bộ vượt bậc, rất thuận lợi cho việc du học hay làm việc tại một công ty đa quốc gia sau này. Tôi đã trưởng thành lên rất nhiều sau chuyến đi…”.
Về phía Việt Nam, điều kiện tham gia chương trình khá đơn giản, chỉ cần sinh viên có sức khỏe tốt, tuổi 18-26, tiếng Anh từ khá trở lên, học lực khá. Chưa bao gồm phí ăn ở và vé máy bay khứ hồi, các ứng viên phải đóng phí cho chương trình 900 USD, phí sắp xếp chỗ ở: 300 USD, phí visa: 140 USD, phí an ninh nội địa: 35 USD, bảo hiểm: 25 USD/tháng. Ngoài ra, sinh viên phải đặt cọc 1.000-2.000 USD (tùy trung tâm tư vấn du học) và chỉ được hoàn lại nếu kết thúc chương trình.
Đối với phía Hoa Kỳ, sinh viên chỉ được cấp visa nếu chứng minh được mục đích tham dự là nhằm tích lũy kinh nghiệm cũng như giao lưu văn hóa, trở về nước sau khi hoàn thành chương trình. Sinh viên cũng phải chứng minh tài chính (qua số dư tiết kiệm gửi ở ngân hàng hoặc tài sản từ 10.000 USD trở lên). Theo Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM, việc cấp visa cho chương trình trao đổi văn hóa dành cho sinh viên đến Mỹ du lịch và làm việc ngắn hạn sẽ do Lãnh sự quán quyết định. Tỷ lệ thành công phụ thuộc rất nhiều vào “chất lượng” hồ sơ xin cấp visa của các ứng viên, hoàn toàn không có chuyện xin visa W&T (visa J1) dễ hơn xin visa du học.
Những việc làm dành cho sinh viên hầu hết là lao động chân tay như thu ngân, bảo vệ, phục vụ bàn trong các buổi tiệc hoặc sự kiện, nhân viên dọn phòng, lễ tân, nấu ăn hoặc phụ bếp, nhân viên rửa chén, nhân viên bán hàng, nhân viên phục vụ trong những công viên giải trí, công viên quốc gia, các resort…
Cơ hội kiếm tiền hay du lịch?
Hiện có nhiều công ty tư vấn du học quảng cáo chương trình W&T. “Bạn sẽ có cơ hội độc nhất để trải nghiệm cuộc sống ở Mỹ nhiều hơn. Bạn cũng sẽ có thể chia sẻ các phong tục tập quán và văn hóa với người dân Mỹ, cũng như những sinh viên quốc tế khác”. “Cơ hội được thể hiện, học hỏi và nâng cao khả năng chuyên môn. Có được kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế”. “Tham gia chương trình, bạn sẽ rèn luyện bản thân, ý chí, cách sống tự lập trong môi truờng mới”. Theo quảng cáo của một số công ty, mức lương nhận được sẽ từ 7-11 USD/giờ, thu nhập có thể là 1.000 USD/tháng, thậm chí trong ba tháng, sinh viên có thể kiếm được 4.000 USD.
Sinh viên Việt Nam vừa làm vừa chơi tại Hoa Kỳ
Thế nhưng, các sinh viên cần tìm hiểu thông tin về W&T trước khi đăng ký tham dự cũng như chọn đơn vị uy tín làm đại diện cho mình. Bởi thực tế, nhiều công ty tư vấn du học nhỏ tuyển sinh chương trình W&T, sau đó “sang tay” lại cho các đơn vị lớn. Một số công ty tư vấn du học đã tư vấn mập mờ, cung cấp thông tin không trung thực khiến không ít sinh viên thất vọng nặng nề. Trước khi tham gia chương trình, gia đình sinh viên phải “đặt cọc” một khoản tiền có khi lên đến 1.000 USD để đảm bảo sinh viên không bỏ việc giữa chừng. Nhưng có công ty tìm cách xù tiền cọc của du học sinh với lý do sinh viên về nước sớm hơn so với thỏa thuận đã ký kết. Vì vậy, cách tốt nhất để bảo vệ chính mình là sinh viên cần xem kỹ hợp đồng, ngày đi, ngày về, thời điểm hoàn trả tiền cọc, nơi làm việc, tính chất công việc, thời gian làm việc, mức lương, chế độ bảo hiểm, nghỉ ngơi, công ty có hỗ trợ hay giới thiệu chỗ ở… Một sinh viên từng tham gia W&T cho biết, có công ty cam kết thời gian làm việc kéo dài đến bốn tháng nhưng mới làm hai tháng thì đã hết việc. Mặt khác, lúc đầu công ty quảng cáo sẽ cho làm phục vụ ở các cửa hàng ở California, sòng bài Las Vegas hay là phục vụ ở tàu du lịch năm sao, nhưng khi sinh viên vừa hoàn tất việc ký hợp đồng thì họ liền trở mặt. Rằng, những bang lớn hết việc cho sinh viên quốc tế rồi, nếu không chấp nhận những nơi họ giới thiệu thì coi như đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải mất tiền cọc. Có người may mắn được làm việc ở Grand Caynon – một trong những kỳ quan mới của thế giới, một số khác phải đi làm nông ở những trang trại xa xôi. Nhiều sinh viên vốn là “con cưng” ở nhà nên không kham nổi công việc chân tay vất vả. Làm việc ở xứ sở công nghiệp nên tác phong cũng phải công nghiệp, đúng giờ, “làm ra làm”. Có sinh viên đăng ký làm nhân viên dọn phòng cho một khách sạn than thở: Chỉ có 30 phút nghỉ ăn trưa, phải chạy đua với thời gian vì mỗi phòng chỉ được dọn trong 25 phút.
“Điều quan trọng là các bạn đừng ảo tưởng về công việc ở Hoa Kỳ, các bạn không bán chất xám, mà là sức lao động của mình – Thanh Nhân, từng tham dự W&T năm 2010 khẳng định – Tôi không rõ công ty tư vấn du học “tô vẽ” công việc ra sao nhưng nhiều bạn rất tự ái về thân phận “ôsin” xứ người, cứ cầm máy hút bụi để dọn phòng là khóc vì… tủi thân. Việc làm ở khu sầm uất, nhộn nhịp thường khó kiếm, do vậy, sinh viên phải về những vùng sâu vùng xa. Có việc làm dẫu sao còn may mắn hơn công việc thời vụ (thu hoạch ở nông trại), có bạn chỉ làm được một, hai tháng là hết “việc cần người”, phải xoay xở đủ đường người cần việc”.
Cuối cùng, các bạn cần lưu ý: Đừng ham sẽ “làm giàu” sau chuyến “làm thuê” ở Hoa Kỳ vì tiền công nhận được sẽ phải chi trả cho tiền vé máy bay (hai chiều), tiền ăn ở, đi chơi, bảo hiểm y tế… Do vậy, tổng kết chương trình, nhiều bạn bị lỗ vốn, việc huề vốn chỉ dành cho những ai có từ hai công việc trở lên. Đó là chưa kể rủi ro “bệnh nghề nghiệp” phát sinh, có sinh viên đứng bán hàng 12 giờ mỗi ngày, sau khi trở về nước bị viêm tĩnh mạch, phải tốn một đống tiền cho chữa bệnh. Tuy nhiên, “quan trọng hơn hết là kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng được tích lũy trong vài ba tháng, khó có tiền nào có thể mua được”, nhiều sinh viên khẳng định. Cân – đo – đong – đếm sau chuyến đi là những trải nghiệm của một người trưởng thành chứ không phải để làm giàu.
Nhưng, không phải ai cũng hài lòng sau chuyến “xuất khẩu lao động”, mỗi người một công việc, một bang, mức độ vui, buồn cũng khác nhau. Chỉ có điều, nhiều sinh viên có một “kết cuộc không có hậu” giống nhau, vì lo làm việc và du lịch, mất hết bốn tháng trời trong khi thời gian nghỉ hè ở ViệtNamchỉ có gần ba tháng. Trở về nước trễ, học không đủ tiết nên nhiều sinh viên phải học lại, thi lại, phải thi trả nợ môn. Vì vậy, trước khi tham dự chương trình, các bạn cần được tư vấn kỹ càng, nhằm tránh những rủi ro nếu có.
Nếu tự tin khả năng của mình, bạn có thể tự tìm kiếm một công việc tại Hoa Kỳ mà không cần phải qua đơn vị trung gian. Bạn có thể truy cập trang web http://www.coolworks.com để liên hệ trực tiếp với các nhà tuyển dụng.
Chương Vũ
Ảnh Tổ chức CSB – Hoa Kỳ