Thế giới đang chuyển động và tiến bộ theo thời gian, thế nhưng tư duy của một số cán bộ quản lý nhà nước lại đi lùi so với thời đại. Cụ thể, quy định của UBND quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội trong việc đồng bộ hóa các bảng hiệu quảng cáo trên đường Lê Trọng Tấn từ màu sắc, chiều cao đến kích cỡ hiện đang gây tranh cãi trong dư luận về việc giết chết sự sáng tạo và bản sắc vốn có của các thương hiệu.
Bảng hiệu quảng cáo là công cụ đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp hay cửa hàng đối với người tiêu dùng. Để có được một bảng hiệu quảng cáo hiệu quả, ngoài việc thể hiện đầy đủ các yếu tố nhận diện thương hiệu, các nhà thiết kế còn phải tính toán về khoảng cách trung bình từ người xem đến bảng hiệu để đưa ra kích cỡ chữ, việc phối hợp màu sắc chủ đạo sao cho bắt mắt và thu hút. Các yếu tố khác như chiều cao bảng hiệu, ánh sáng có thể tác động đến tầm quan sát của khách hàng đều được đo lường để đưa ra giải pháp thiết kế tối ưu nhất. Việc UBND quận Thanh Xuân đưa ra quy định buộc các bảng hiệu quảng cáo tại con đường này phải theo một kích cỡ để tạo diện mạo văn minh đô thị được nhiều người đồng tình, thế nhưng quy định cứng nhắc buộc các bảng hiệu phải theo mẫu có sẵn và chỉ được chọn trong hai màu xanh – đỏ được nhiều người đánh giá là thiếu hiểu biết về thẩm mỹ nhưng lại không nhờ đến sự tư vấn, định hướng của các chuyên gia trong ngành.
Trả lời dư luận về việc triển khai quy hoạch này, đại diện UBND quận Thanh Xuân cho biết, màu sắc và kích cỡ của biển hiệu quảng cáo được quyết định trên cơ sở hỏi ý kiến… người dân và nhận được đồng thuận. Đơn vị này cũng hứa sẽ tìm hiểu và lắng nghe, tiếp thu ý kiến của dân liên quan đến việc này để có giải pháp tối ưu trước khi đưa lên UBND thành phố Hà Nội để được nhân rộng. Một vấn đề quy hoạch liên quan đến yếu tố thẩm mỹ và ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp lại không có sự tư vấn của các chuyên gia trong ngành khiến nhiều người đặt dấu hỏi về năng lực quản lý của các cơ quan nhà nước. Theo các chuyên gia, việc quản lý, kiểm soát cảnh quan đô thị chỉ nên dừng lại ở những vấn đề an ninh, an toàn cảnh quan, chẳng hạn việc che tầm nhìn, độ phản cảm về văn hóa… còn bản thân sự đa dạng và bản sắc của thương hiệu là yếu tố cần được khuyến khích.
Hiện nay, mỗi công ty đều có một bộ nhận diện thương hiệu mà họ dày công gầy dựng với logo, màu sắc chủ đạo mang bản sắc riêng biệt. Việc ép các thương hiệu phải “mặc đồng phục” không chỉ tạo sự đơn điệu về mặt thẩm mỹ mà còn đi ngược với tư duy kinh tế thị trường, đi ngược lại với những công ước mà Chính phủ Việt Nam đã ký trong các Hiệp định thương mại quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa như WTO, WIPO, TPP… Nếu quy định này được đem áp dụng cho cả quận hoặc nhân rộng cả thành phố thì cảnh tượng sẽ rất nực cười. Nhiều chuyên gia nhận định, những thương hiệu lớn thà không mở cửa hàng ở đây chứ không bao giờ họ đổi màu thương hiệu.
Trong nỗ lực thúc đẩy công nghiệp quảng cáo và thu hút nhiều du khách, chính phủ Hàn Quốc đã bỏ quy định về quảng cáo tại Seoul nhằm tạo ra một phiên bản Quảng trường Thời đại tại Hàn Quốc. Theo đó, doanh nghiệp có thể lắp màn hình kỹ thuật số và biển quảng cáo tự do, không bị hạn chế về loại hoặc kích thước – những điều mà trước đây bị hạn chế nghiêm ngặt. Quy định sửa đổi bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7 tới. So với quy định của Hàn Quốc, việc quy hoạch biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn rất lạ đời và đi lùi so với văn minh nhân loại. Nếu được nhân rộng sẽ là một thảm họa đối với ngành quảng cáo và kiến trúc đô thị hiện nay.
Mộc Lan (DNSGCT)