Sau 10 năm thịnh vượng, đầu năm nay Venezuela đã phải ban hành sắc lệnh tình trạng kinh tế khẩn cấp, khi lạm phát tăng 180% trong năm 2015, dự trữ ngoại tệ bốc hơi một nửa trong ba năm và tình trạng thiếu hụt lương thực trầm trọng đến mức báo động.
Theo thống kê, dự trữ ngoại tệ của Venezuela giảm từ 29 tỉ USD năm 2012 xuống 15 tỉ USD năm 2015 trong khi nợ nước ngoài tăng lên 250 tỉ USD. Tổng sản phẩm nội địa giảm mạnh trong hai năm liên tiếp (-3,9% năm 2014 và -5,7% năm 2015); 95% thu nhập quốc gia và 45% ngân sách nhà nước lệ thuộc vào dầu lửa đã giảm mất gần 70% trong hai năm qua. Tài chính và kinh tế của Venezuela điêu đứng theo. Bội chi ngân sách của Venezuela tương đương với từ 18 đến 20% GDP.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khủng hoảng của quốc gia châu Mỹ này “có nguồn cội sâu xa hơn nhiều so với khủng hoảng về dầu lửa” mà các nhà sản xuất và xuất khẩu vàng đen trên thế giới phải trải qua.
Venezuela khó tránh khủng hoảng, trước mắt đang bị sáu mối nguy đan kết: kinh tế bị lạm phát tới 300%; ngân sách hao hụt vì dầu thô sụt giá nên quốc gia có thể vỡ nợ; thiếu điện khi hồ chứa nước trên con đập khổng lồ Guri bị cạn; nạn tham nhũng và tội ác tràn lan khiến dân chúng phẫn nộ; hành chính công quyền tê liệt không giải quyết nổi các nhu cầu xã hội, nhất là y tế và thuốc men. Lý do là vì chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro và đảng Công nhân Thống nhất (PSUV) cầm quyền không dám cải cách vì sợ mất quyền lực trong khi phe đối lập thắng lớn từ cuối năm 2015 cũng chưa thống nhất được chủ trương về giải pháp kinh tế và chính trị.
Giá dầu giảm đã trở thành một thách thức lớn đối với nền kinh tế Venezuela khi dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của quốc gia Nam Mỹ này chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ. Theo ước tính, khi giá dầu giảm 1 USD/thùng, Venezuela sẽ thất thu khoảng 720 triệu USD. Vấn đề không chỉ do dầu thô sụt giá, vì nước láng giềng là Mexico cũng có sản lượng dầu rất lớn (hơn 2 triệu thùng một ngày như Venezuela) nhưng Mexico không bị khủng hoảng sau khi cải cách để khỏi lệ thuộc vào nguồn thu năng lượng, ngày nay xuất khẩu dầu thô chỉ chiếm 5% của tổng sản lượng nội địa. Trong khi đó tại Venezuela vẫn là 22,5%, hơn gấp bốn lần.
Đối mặt với cuộc sống đầy khó khăn, hàng ngàn người ủng hộ phe đối lập đã tụ tập ở thủ đô Caracas và khắp cả nước nhằm kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc rút ngắn nhiệm kỳ của Tổng thống Nicolas Maduro. Tuy nhiên ngày 25-4, Tòa án tối cao Venezuela đã ra quyết định bãi bỏ dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhằm mục đích tiến hành trưng cầu ý dân rút ngắn nhiệm kỳ của tổng thống từ sáu năm xuống còn bốn năm.
Đối phó với tình trạng thiếu điện, ngày 27-4, chính phủ Venezuela vừa ra thông báo cho tất cả công chức nghỉ làm việc ba ngày trong tuần tức chỉ làm việc hai ngày thứ Hai, Ba. Người lao động vẫn được trả lương cho những ngày nghỉ làm theo quyết định tạm thời của chính phủ.
Khôi Minh (DNSGCT)