Diễn ra gần như cùng thời gian ở tòa nhà mới của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1) là hai triển lãm khác biệt cả về mục đích lẫn ngôn ngữ tạo hình.
Từ vài tháng nay, tòa nhà mới được sửa chữa, tôn tạo của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh đã đóng vai trò như một phòng trưng bày tác phẩm mới, trong khi khối kiến trúc chính – thường được gọi là “nhà chú Hỏa” – cũng đã được tân trang, làm đẹp nội thất, bố trí lại các khu vực nhưng chỉ để trưng bày bộ sưu tập khá phong phú của bảo tàng, trong số đó có nhiều tác phẩm, hiện vật nhiều năm qua nằm “chết” trong kho lưu trữ.
Nào, cùng “Đi, đi tới”
Chiếm phần lớn không gian trưng bày của tòa nhà mới là triển lãm “Đi, đi tới” của nhóm sáu người, bốn trong nước, hai nước ngoài. Các họa sĩ “nội” là những tác giả đã quen thuộc với các sinh hoạt tạo hình của TP. Hồ Chí Minh nhiều năm qua: Nguyễn Thân, Lê Triều Điển, Nguyễn Minh Phương, Hồng Lĩnh; còn hai gương mặt “ngoại” đều rất trẻ, nghiệp dư, mới tìm đến với hội họa nhờ có mối quan hệ thân thiết với bộ đôi Lê Triều Điển – Hồng Lĩnh. Tranh và tác phẩm gốm của nhóm được bày kín gian chính và hai gian bên của tòa nhà.
Nguyễn Thân, như thường “quậy” ở các triển lãm có ông tham gia, tại triển lãm này ông bày một tranh vào loại ngoại khổ, chiếm hết một mảng tường lớn có tên Em đi đâu và bộ sáu bức có tên Mặt nạ cỡ trung. Với Lê Triều Điển là loạt tranh trừu tượng Phù sa, vẫn với bảng màu và cách tạo hình đã gắn liền với ông lâu nay. Tương tự là loạt “tranh vẽ thơ” của Hồng Lĩnh cùng nhiều món đồ gốm nho nhỏ của bà. Đôi vợ chồng nghệ sĩ rặt Nam bộ này đã chia sẻ với nhau một hành trình dài trong cuộc đời cũng như trong nghệ thuật.
Đáng chú ý nhất tại triển lãm “Đi, đi tới” là xê-ri tranh cùng kích thước, cùng cách thể hiện, được trưng bày hai mặt, xem được từ hai phía, tất cả đều cùng chủ đề: đi xe – xe gắn máy hay xe đạp – trên đường phố, từ đi học, đi làm, đi chơi… đến đi về quê, đi gội đầu, đi vũ trường, đi mua ve chai… cũng như chẳng biết đi đâu! Và hoạt động đi xe này diễn ra ở nhiều địa phương trong nước, những nơi đôi chân của Minh Phương đã từng đến, trước khi anh kịp dừng bước giang hồ, lập gia đình cách đây không lâu và sắp làm cha ở tuổi đã ngoại tứ tuần.
Hai bạn trẻ đến từ Mỹ là Cynthia Lê, một cô gái gốc Việt và William Naythons, chàng trai xuất thân từ một gia đình hoạt động nghệ thuật chưa gây ấn tượng gì đáng kể nhưng họ đem đến một không khí tươi tắn cho phòng triển lãm – một cuộc hội ngộ mà nói như họa sĩ Lê Triều Điển: “Lâu không gặp nhau cũng buồn nên Nguyễn Thân bảo: sao không triển lãm chung cho vui – vậy là làm!”. Thật ra, cũng chẳng vì một cuộc vui đơn thuần, sâu xa hơn, họ muốn bày tỏ “con đường sáng tạo nghệ thuật là con đường đi không có điểm đến… Điểm dừng có lẽ là khi người nghệ sĩ không còn hơi thở sáng tạo trên con đường chông gai và hạnh phúc của nghệ thuật”, con đường họ sẽ phải mãi “đi, đi tới”.
Khai mạc từ 3-11, triển lãm sẽ kéo dài đến 15-11.
Câu chuyện về mối “tương giao giữa người và thú”
Gian trong cùng của tòa nhà là một không khí nghệ thuật hoàn toàn khác: triển lãm tác phẩm của nghệ sĩ trẻ Lêna Bùi với tên gọi khá gợi và mang tính triết lý “Nghiến chặt: Tương giao giữa người và thú” – một phức hợp gồm tranh vẽ, ảnh chụp, tượng và video; tất cả đều nhằm “khám phá những giao tiếp ẩn, dường như bị coi nhẹ, giữa con người và thế giới động vật”.
Qua loạt 22 bức ảnh in trên tấm nhôm có tên Ăn với niềm tin, chụp những con heo quay da đỏ rực, bóng nhoáng, những tảng thịt tươi… nhưng hóa ra đều là đồ chay; hai bức tranh Dòng chảy vô hình vẽ bằng mực trên giấy thể hiện vi khuẩn được nhìn qua kính hiển vi; ba tranh khác có tên Nghiến chặt là đầu người ở dạng giải phẫu học với những khối cơ vặn vẹo; hai tượng Sự sống từ cái chết, từ sự sống là những khối thịt và da động vật đã giết mổ trắng nhễ nhại, và video Bầy chim tung mình lần cuối được quay tại những cơ sở thu mua và chế biến lông gà, vịt xuất khẩu…, tác giả “mong muốn tạo được sức nặng và xoáy vào bản năng để phản ánh những gì cô đã quan sát” trong thời gian đi nghiên cứu thực địa ở nhiều địa phương trong nước, từ các cơ sở, các trang trại chăn nuôi đến các lò mổ, các cơ sở chế biến thức ăn cho người từ gia cầm, gia súc – “một thế giới có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi những kiến thức khoa học về những hiểm họa siêu vi ẩn chứa trong việc sống chung và tiếp xúc trực tiếp với động vật – một hiện trạng, trớ trêu thay, tạo nên cái sườn cho phần cốt yếu của chuỗi thức ăn cho người ở Việt Nam ngày nay” như lời của giám tuyển triển lãm Joe Butt, đồng giám đốc Sàn Art, đơn vị phối hợp tổ chức triển lãm này.
Cũng theo Joe Butt thì trong suốt chín tháng qua, Lêna Bùi đã làm việc với các nhà khoa học của đơn vị nghiên cứu lâm sàng thuộc Đại học Oxford ở TP. Hồ Chí Minh “để học hỏi thêm về các nghiên cứu và phương pháp làm việc của họ, bao gồm các khó khăn mà họ phải đương đầu trong công việc kiểm soát và ngăn chặn những cơn khủng hoảng dịch bệnh”. Triển lãm này nằm trong dự án quốc tế có tên “Nghệ thuật trong Sức khỏe toàn cầu” với sáu địa điểm lưu trú sáng tác cho nghệ sĩ đến từ Anh, Kenya, Malawi, Nam Phi, Thái Lan và Việt Nam, qua đó kết hợp nghệ sĩ và nhà khoa học, thông qua việc chia sẻ những ấn tượng về các nghiên cứu sức khỏe, cả về tiến trình nghiên cứu lẫn vị trí của nó trong xã hội từng địa phương và rộng ra là toàn cầu.
Triển lãm mở cửa từ 1-11 đến 14-11, trong ngày 10-11 Lêna Bùi sẽ có cuộc tiếp xúc, nói chuyện với những người quan tâm đến cuộc trưng bày khá đặc biệt này. Sinh năm 1985 tại Đà Nẵng, Lêna Bùi lấy bằng cử nhân nghệ thuật tại Đại học Wesleyan (bang Conneticut, Mỹ) và từng nghiên cứu về Đông phương học tại Đại học Doshisha (Kyoto, Nhật). Cô đã có các triển lãm tại Sàn Art, tại Bảo tàng Mino Washi Akari Art (Nhật) trong năm 2011.
- Như Hoa