Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đầu tuần qua cảnh báo về rủi ro cô lập chính trị, đáng chú ý là sự kiện Anh rất có thể sớm rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) và rủi ro bất bình đẳng trong tăng trưởng kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến việc tổ chức này tiến hành cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2016 lần thứ tư trong vòng một năm qua. Trong cuộc họp thường niên đầu xuân với Ngân hàng Thế giới (WB) tại thủ đô Washington D.C. của Mỹ, IMF cho rằng kinh tế toàn cầu tỏ ra rất dễ vỡ và nhạy cảm với những đợt chấn động chẳng hạn như hạ giá tiền tệ và mâu thuẫn tại khu vực trên thế giới. Trong báo cáo Viễn cảnh Kinh tế thế giới WEO, IMF dự báo GDP thế giới năm 2016 sẽ là 3,2%, thấp hơn so với con số 3,4% đưa ra hồi tháng 1-2016 và thấp hơn nhiều so với con số đưa ra trong tháng 7-2015 và 10-2015. Trong năm 2017, IMF dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,5%, thấp hơn 0,1% so với bản báo cáo phát hành cách đây ba tháng. Theo cả IMF và WB, tăng trưởng kinh tế chậm hơn đồng nghĩa với việc các nền kinh tế cần phải đoàn kết và hợp tác chặt chẽ với nhau hơn, bằng không sẽ dẫn đến khả năng toàn cầu rơi vào bối cảnh đình trệ, tăng trưởng kinh tế xuống thấp dẫn đến nhu cầu hàng hóa sa sút và thị trường việc làm tồi tệ hơn. Ngoài ra, IMF cảnh báo làn sóng gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ kinh tế quốc gia tại châu Âu, điển hình là cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-6 tới về việc Anh rời khỏi EU và những lời kêu gọi chống lại các hiệp ước thương mại quốc tế trong các cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ đang trở thành mối nguy cho kinh tế thế giới.
Đặc biệt tại khu vực châu Âu, IMF quan sát thấy những vấn đề cần phải giải quyết cấp bách để thúc đẩy kinh tế đi lên bao gồm lãi suất tiền gửi căn bản quá thấp của Ngân hàng Trung ương châu Âu, khủng hoảng dòng người tỵ nạn và chương trình cứu trợ tài chính Hy Lạp chưa hoàn tất. IMF tin rằng giới hoạch định chính sách các nước nên kích thích tăng trưởng thông qua các hoạt động như bãi bỏ những quy định không cần thiết trong các lĩnh vực để kích thích sản xuất, gia tăng tỷ lệ lao động, giảm thuế lao động, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia, khuyến khích giới ngân hàng trung ương linh hoạt trong chính sách tiền tệ để có thể nhanh chóng biến chuyển phù hợp với bối cảnh kinh tế quốc gia, khu vực và thế giới.
Đầu tuần qua, IMF cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2016 của Nhật Bản xuống một nửa (còn 0,5%), trong khi kinh tế Brazil sẽ giảm sút nặng nề hơn với GPD âm 3,8% thay vì 3,5% bởi nền kinh tế lớn nhất châu Mỹ Latinh đang rơi vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất suốt nhiều thập niên qua. Còn tại Mỹ, IMF cắt giảm GDP từ 2,6% còn 2,4% khi đồng USD mạnh đang ảnh hưởng xấu đến thị trường xuất khẩu hàng hóa nước này và giá dầu thô xuống thấp sẽ khiến việc đầu tư năng lượng suy yếu. IMF tăng dự báo kinh tế cho Trung Quốc lên 6,5% trong năm nay và 6,2% trong năm 2017 nhờ vào gói kích cầu kinh tế chính phủ mới công bố, có điều về dài hạn tăng trưởng tại đây vẫn bị xem là yếu hơn kỳ vọng trước đây.
B. Trịnh theo Reuters (DNSGCT)