Theo tin từ Indonesia, tại hội nghị Bộ trưởng Tiến trình Bali lần thứ sáu về nạn buôn người và di cư trái phép, diễn ra ngày 23-3, các nước tham dự đã nhất trí tiến hành các biện pháp mới nhằm đối phó hiệu quả hơn với nạn buôn người và tình trạng di cư bất hợp pháp ở châu Á.
Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và người đồng chủ trì các cuộc họp của diễn đàn với người đồng cấp nước chủ nhà Retno Marsudi cho biết các quan chức khu vực có thể sẽ triệu tập các cuộc họp khẩn cấp và xử lý “nhanh và kịp thời” vấn đề của cuộc khủng hoảng di cư đang diễn ra. Bên cạnh đó, các quan chức tham dự hội nghị cũng nhất trí xem xét lại việc ứng phó trước làn sóng di cư ở Đông Nam Á hồi tháng 5 năm ngoái, vốn vấp phải nhiều sự chỉ trích trong cách thức xử lý. Theo Ngoại trưởng Bishop, nhiều ý kiến cho rằng trong cuộc khủng hoảng năm ngoái, khu vực này chưa đưa ra được một cơ chế xử lý nào “một cách kịp thời”. Do đó, bà hy vọng, hội nghị sẽ là cơ hội để các nước đạt được điều này.
Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn (UNHCR) đã hoan nghênh động thái này, nhấn mạnh đây là thỏa thuận đầu tiên trong suốt lịch sử 14 năm qua của hội nghị. Cơ quan trên khẳng định việc nhất trí chia sẻ trách nhiệm là “cách duy nhất” để giải quyết vấn đề trong tương lai, cho rằng không một quốc gia nào có thể đứng bên ngoài cuộc khủng hoảng, khi có tới hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn trên toàn thế giới.
Indonesia, quốc gia vốn đang phải đón hơn 13.000 người tỵ nạn, cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tất cả các nước trong khu vực phải chia sẻ gánh nặng trên.
Vấn đề người di cư từ lâu đã là chủ đề “nóng” tại Hội nghị Bộ trưởng Tiến trình Bali, được khởi động vào năm 2002, nhằm đối phó với dòng người di cư trái phép trong khu vực. Hội nghị Tiến trình Bali chủ yếu bao gồm các quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ và một số nước Trung Đông như Iran và Syria.
Lê Quân (DNSGCT)