Ròng rã hơn ba chục năm hốt rác đại đô thị New York, Nelson Molina sắp xếp chu đáo những thứ chọn lựa được thành một kho báu trong khu dân nghèo Đông Harlem. Sâu trong bãi xe tải gom rác trên đường số 99 là mặt sàn rộng cả ngàn mét vuông. Lớp lớp những kệ bày đồ ngăn nắp, sạch bóng, như một cửa hàng bán đồ tầm tầm và đắm mình trong những giai điệu thịnh hành thập niên 40 của thế kỷ trước.
Đã có người sẵn sàng mua tất cả với giá tổng cộng hơn 160 ngàn USD. Vấn đề không phải là giá trị hàng hóa mà một ngày nào đấy, giữa các đồ rác thải này có thứ được liệt vào bộ sưu tầm trân quý: bộ ván trượt tuyết trẻ con thổ dân đẽo bằng gỗ, phao tiêu cứu hộ thời xa lắc xa lơ, ô kính bảy màu cầu vồng nhà thờ Cơ đốc giáo kiến trúc Gô-tích, cà vạt vẽ hình loạt phim Báo động ở Malibu… Đặc sắc nhất, có lẽ là ngôi sao kim loại khổng lồ David đã rỉ sét nhưng vẫn còn nguyên vẹn, sau khi tòa tháp đôi trung tâm thương mại thế giới bị bọn khủng bố đánh sập.
Khắp nơi là tranh ảnh, chân dung không còn được treo đúng chỗ trong những biệt thự, căn hộ sang trọng một thời. Nelson Molina tự hào: “Đây thực sự là một bảo tàng, một bảo tàng tự phát. Từ năm chín tuổi, theo gương mẹ không vứt bỏ một thứ gì, tôi đã biết chắt chiu thu nhặt”.
Hằng ngày, New York thải loại hàng chục tấn rác. Nelson Molina tỉ mẩn thu lượm từng ly từng tí, phân loại đâu ra đấy, sửa chữa, chỉnh trang hết mức từng bộ phận, chi tiết… đem lại sinh khí cho những thứ bị vứt bỏ không thương tiếc.
Trong tương lai gần – ba bốn năm tới, chủ sở hữu Bệnh viện Metropolitan sẽ thu hồi khu đất. Kho tàng từ những đống rác (Treasures in the Trash) phải chuyển địa chỉ. Nhà nhân chủng học Robin Magle tin rằng việc tìm cho được một nơi xứng đáng cho bộ sưu tập chính thức này là một thách thức lớn.
Nhưng có thể khẳng định thành phố New York phồn vinh không chỉ đảm bảo sự bảo quản chắc chắn mà còn có tiềm năng phát triển bảo tàng này thêm phong phú, sinh động.