Tại Mỹ, cố gắng thu hẹp khoảng cách về học lực giữa trẻ em học kém với phần còn lại trong cộng đồng là trọng tâm của ngành giáo dục nước này từ năm 1965, khi Luật giáo dục phổ cập tiểu học và trung học cơ sở được thông qua. Dù vậy, khi so sánh với những quốc gia có hệ thống giáo dục chất lượng trên thế giới, dường như Mỹ vẫn chưa làm tốt điều này. Báo cáo mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tại một số quốc gia tham gia chương trình khảo sát Đánh giá sinh viên quốc tế cho thấy, tại Hongkong, Thượng Hải (Trung Quốc), Hàn Quốc và Việt Nam, chỉ khoảng 5% học sinh độ tuổi 15 tỏ ra kém so với bạn bè về độ thông thạo môn tập đọc, toán và khoa học. Trong khi đó, tỷ lệ này tại Mỹ là 12%, tương đương hơn nửa triệu học sinh trung học có năng lực dưới mức trung bình ở ba môn học ấy. Năng lực học vấn của học sinh Mỹ nằm dưới mức trung bình của OECD sau khi khảo sát 64 quốc gia, kém nhiều so với nhóm nước công nghiệp phát triển bao gồm Nhật, Úc và Tây Âu.
Một số chuyên gia cho rằng không thể đổ lỗi cho hệ thống trường lớp về việc học sinh nước này học kém, vì Mỹ có tỷ lệ học sinh thuộc nhóm sắc tộc thiểu số và điều kiện kinh tế khó khăn cao hơn những quốc gia giàu có. Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy có đến 37 quốc gia vượt qua Mỹ trong học tập dù điều kiện xã hội kinh tế kém hơn. Cả Việt Nam và Latvia đều có tỷ lệ học sinh học kém thấp hơn Mỹ rất nhiều dù thu nhập trung bình sau điều chỉnh sức mua tại Việt Nam chỉ bằng 1/10 người dân Mỹ, còn Latvia thấp hơn một nửa tại Mỹ. Ngoài ra, một số quốc gia châu Á như Singapore, Trung Quốc (bao gồm Hongkong), Hàn Quốc đều nằm trong Top 10 quốc gia không chỉ sở hữu tỷ lệ học sinh giỏi cao mà còn có tỷ lệ học sinh kém rất thấp so với mức trung bình toàn cầu. Điều ấy cho thấy, theo OECD, cải thiện trình độ học vấn của học sinh kém không nhất thiết đòi hỏi quốc gia ấy phải hy sinh hay gây tổn hại đến trình độ của những học sinh ưu tú.
Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề? Câu trả lời là trong hệ thống giáo dục Mỹ, một khi tỏ ra yếu kém, học sinh ngày càng bị bỏ rơi ở phía sau; theo thời gian, tinh thần học tập giảm sút, mặc cảm gia tăng, kết quả là các em bỏ học. Trong khi đó, tại các quốc gia châu Á, sức học của những học sinh yếu sẽ được cải thiện trước khi suy nghĩ bỏ học nảy sinh. Không hẳn là phương châm giáo dục chính thức, nhưng hầu hết trường học và giáo viên tại châu Á đều có suy nghĩ rằng học sinh nào cũng có thể và sẽ đạt đến trình độ học vấn cao nếu nỗ lực vươn lên sau mỗi năm học. Dường như không học sinh nào bị trường lớp, bạn bè và xã hội bỏ rơi, đặc biệt khi các em còn trong độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Rất nhiều nước châu Á yêu cầu học sinh đến lớp sớm hơn và ra về trễ hơn, thậm chí các em sẽ đến lớp trong ngày thứ Bảy nếu cần thiết. Tại Singapore, trước khi vào lớp 1, học sinh phải tham gia thi xếp lớp. Tại Thượng Hải, các trường tại thành phố sẽ được ghép cặp giúp đỡ các trường tại vùng sâu vùng xa. Tại Nhật Bản, nhiều chương trình tình nguyện cho phép sinh viên đại học giúp đỡ phụ đạo trẻ em các gia đình khó khăn.
Lâm Kiên theo The Atlantic (DNSGCT)