Thị trường bất động sản đã phục hồi và sôi động với hàng loạt dự án mới, thế nhưng rất nhiều dự án “treo” từ thời bong bóng, thậm chí trước đó, vẫn nằm trơ đang gây lãng phí tài nguyên quốc gia, khiến dư luận bức xúc.
Dọc theo tuyến đường Nguyễn Văn Linh, dễ thấy những dự án treo đang phơi mình trong sương gió. Có những dự án quy mô tầm trung chỉ mới giải phóng mặt bằng thì cũng có dự án nghìn tỉ đã được xây dựng 70 – 80%, chỉ cần hoàn thiện là có thể bàn giao. Phía sau những tấm chắn công trình xây dựng đã hoen ố, không ít người xót lòng trước mảnh đất vàng đang hoang hóa theo thời gian. Lời hứa hẹn “thiên đường nhiệt đới” hay “nơi hạnh phúc bắt đầu”… vẫn im ỉm năm này qua tháng nọ, để lại những khối bê tông đã phủ bụi, xuống cấp và những niềm tin bị đổ vỡ.
Nếu nhìn vào cách xử lý các dự án treo, có thể thấy được những tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp chủ động giải quyết các dự án treo qua việc thoái vốn, các hình thức mua bán-sáp nhập… góp phần giảm bớt gánh nặng cho cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp yếu kém lợi dụng những kẽ hở trong chính sách quản lý để lách luật. Đặc biệt, đối những dự án nghìn tỉ, việc thu hồi, xử lý các dự án này không dễ dàng, đơn cử như Kenton Residence (Q.7) hay Saigon One Tower (Q.1)… Được biết, nhiều cuộc họp bàn giữa UBND TP.HCM, các cơ quan chuyên trách và đại diện doanh nghiệp đã diễn ra nhưng đến nay mọi thứ vẫn im lìm. Người dân rất cần câu trả lời khi nào dự án sẽ được tái khởi động.
Để giải quyết triệt để bài toán dự án treo, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, rất cần sự quyết tâm của các cơ quan nhà nước trong việc sàng lọc doanh nghiệp không đủ năng lực, tìm nhà đầu tư có khả năng tài chính để chuyển giao đất đai, cũng cần chấn chỉnh công tác phê duyệt, cấp phép triển khai các dự án. Nếu để việc cấp phép đầu tư vẫn diễn ra một cách “loạn xạ”, thiếu căn cứ vào quy hoạch tổng thể và chỉ mang lại lợi ích cho một số người, chắc chắn, tình trạng các dự án treo sẽ còn tiếp diễn. Theo báo cáo của Hiệp hội BĐS TP.HCM, hiện có 190/1.409 dự án bị thu hồi, hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Trong 1.219 dự án còn hiệu lực triển khai, lại có đến 405 dự án chưa khởi công; trong số 325 dự án đã khởi công thì tới 97 dự án đã phải tạm ngưng.
Năm 2015, nhà nước đã có những nỗ lực trong việc tạo môi trường lành mạnh cho thị trường bất động sản, trong đó có chính sách ký quỹ để xác định năng lực chủ đầu tư, phân loại chất lượng các dự án… Năm 2016, quy định siết chặt hạn mức tín dụng cho bất động sản cũng là cách giúp thị trường hạn chế những rủi ro. Tuy nhiên, cơ chế minh bạch thông tin trong lĩnh vực này là điều quan trọng nhất cần làm để hạn chế các sai phạm trong công tác quản lý, đảm bảo lợi ích cho nhà nước, nhà đầu tư và cả người dân. Việc hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai theo hướng hiện đại, tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước, chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử là cách đảm bảo công khai, minh bạch trong lĩnh vực này.
Mộc Lan (DNSGCT)