Tuần qua, truyền thông trong nước rúng động bởi vụ lừa đảo bán hàng đa cấp lớn nhất trong lịch sử. Chỉ trong hơn một năm, hàng vạn người đã sập bẫy lừa tinh vi của Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên Kết Việt) với số tiền hàng nghìn tỉ đồng, nhiều người trong số đó rơi vào cảnh nợ nần, tạo ra gánh nặng lớn về mặt kinh tế xã hội.
Chiêu lừa tinh vi, hơn 60 ngàn người sập bẫy
Theo cơ quan điều tra, Công ty Liên Kết Việt thành lập từ năm 2010 và đến năm 2014 được cấp phép kinh doanh đa cấp. Người đại diện pháp luật là ông Lê Xuân Giang, một quân nhân đã xuất ngũ năm 2001 với quân hàm chuẩn úy. Với thủ đoạn lừa đảo có tổ chức, công khai trắng trợn tuyên truyền sai sự thật, từ tháng 6-2014 đến 7-2015, công ty này hoạt động trên 27 tỉnh, thành và “móc túi” của hơn 60.000 người số tiền hơn 1.900 tỉ đồng.
Để thực hiện hành vi lừa đảo, Lê Xuân Giang đã thành lập Công ty cổ phần Tập đoàn Thiết bị Y tế BQP (mục đích mạo danh trực thuộc Bộ Quốc phòng) và tuyên truyền các sản phẩm của Liên Kết Việt được mua từ BQP để tạo niềm tin. Ngoài việc mạo danh các sản phẩm của Bộ Quốc phòng, Liên Kết Việt còn đẩy mạnh tuyên truyền để nhiều người lầm tưởng đây là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng và tin tưởng gia nhập mạng lưới đa cấp này. Công ty này đã tổ chức nhiều chương trình gặp gỡ khách hàng có sự tham gia của các cán bộ, lãnh đạo cấp cao ở Bộ Quốc phòng. Ông Lê Xuân Giang cũng thường xuyên xuất hiện với bộ quân phục và quân hàm đại úy tại các sự kiện để tăng cường độ tin cậy. Trên website của công ty còn giới thiệu nhiều đại tá đương chức ở Bộ Quốc phòng đã tham gia vào ban lãnh đạo công ty. Thậm chí, Liên Kết Việt còn mạnh tay tổ chức một buổi lễ hoành tráng đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, đưa hình ảnh lên website và quảng bá tại nhiều tờ báo dù theo Cơ quan điều tra Bộ Công an, toàn bộảnh, bằng khen này, đều là giả.
Tại website của Liên Kết Việt hiện nay vẫn còn các bài báo và video clip quảng bá sự kiện ông Lê Xuân Giang, từng được nhận giải thưởng “Doanh nhân làm theo lời Bác” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức năm 2014. Trong clip trên, người dẫn chương trình đã giới thiệu “ông Lê Xuân Giang – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần sản xuất thương mại Việt Nam Hà Nội, là thành viên của Tập đoàn Thiết bị Y tế Bộ Quốc Phòng”. Không biết giải thưởng này do Bộ, ngành nào quản lý, tuy nhiên, việc thiếu thẩm định với cá nhân, tổ chức được đề cử và trao giải “vô tội vạ” kiểu này đã gây nhiễu trong việc phân loại doanh nghiệp, khiến niềm tin của người dân đặt sai chỗ… và gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài việc tuyên truyền để mạo danh, thủ đoạn cao tay để Liên Kết Việt chiêu dụ được số lượng người tham gia khủng chính là mức lãi suất khiến nhiều người mờ mắt, theo đó, công ty cam kết sẽ trả hoa hồng 8%/tháng nếu nhà phân phối mời được người tham gia, càng nhiều người tham gia tỷ lệ hoa hồng càng cao. Vì món lợi quá hời, nhiều nhà phân phối đã đi mời chào người thân, bạn bè tham gia vào hệ thống, tự biến mình thành người lừa đảo.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Lê Xuân Giang và đồng phạm vừa bị bắt tạm giam với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có thể đối mặt với mức án tù cùng việc truy thu tài sản. Theo Cơ quan cảnh sát điều tra (C46) Bộ Công an, đây là vụ lừa đảo quy mô lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế và gây bất bình trong xã hội. Có thể thấy, trong vụ việc này, ngoài nguyên do sự hám lợi của người dân, chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan nhà nước, trong đó có Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương, đơn vị cấp phép hoạt động đa cấp cho Liên Kết Việt.
Việc quản lý doanh nghiệp kinh doanh đa cấp hiện nay chưa giao trách nhiệm chính thức cho một bộ, ngành nào đã tạo ra kẽ hở trong quản lý. Trong vụ việc của Liên Kết Việt, công ty này có giấy phép thành lập do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội cấp, Giấy chứng nhận bán hàng đa cấp do Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công thương cấp và cứ thế hoạt động. Không cơ quan nào quản lý, kiểm tra doanh nghiệp này bán bao nhiêu hàng hóa, hàng sản xuất ra có đúng như đăng ký hay không. Thậm chí, doanh thu của công ty lên này đến hơn 1.900 tỉ đồng nhưng khai thuế chỉ có hơn 9 tỉ đồng nhưng cơ quan thuế vẫn không hay biết. Trong khi vụ việc đang tiếp tục được điều tra và số người bị hại có thể còn tăng lên, nhiều câu hỏi được đặt ra quanh trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước.
Thứ nhất, một doanh nghiệp đa cấp lừa đảo hơn 60.000 người tại 27 tỉnh, thành phố nhưng Bộ Công thương, Sở Công thương không hay biết, có biện pháp ngăn chặn, phải chăng quản lý nhà nước đang có vấn đề? Thậm chí trước khi vụ việc được điều tra, đài truyền hình và nhiều tờ báo trực tuyến cũng đã đưa thông tin về vụ việc nhưng tại sao cơ quan quản lý vẫn không có động thái nào để xử lý hay cảnh báo người dân?
Thứ hai, Lê Xuân Giang là đại tá thật hay giả? Tại sao một chuẩn úy về hưu có thể trắng trợn đeo quân hàm đại tá xuất hiện trong những buổi gặp gỡ công khai có mặt của nhiều cán bộ của Bộ Quốc phòng, được truyền thông rộng rãi nhưng Bộ vẫn không có một động thái nào để xử lý?
Thứ ba, việc quản lý các giải thưởng được trao cho các tổ chức, cá nhân hiện nay được quy định và quản lý thế nào, khi mà rất nhiều giải thưởng của các hiệp hội, tổ chức thuộc các Bộ, ngành được đưa ra vô tội vạ, không có tiêu chí rõ ràng và phần nhiều chỉ để thu phí của doanh nghiệp rồi trao giải, đơn cử như giải thưởng “Doanh nhân làm theo lời Bác”? Được biết giải thưởng này đã bị ngưng tổ chức vào tháng 10-2014 vì những sai phạm về tuyên truyền và thu phí của doanh nghiệp, thế nhưng làm thế nào để người dân phân biệt được đâu là giải thưởng uy tín, đâu là doanh nghiệp uy tín, để niềm tin không đặt sai chỗ?
Vụ lừa đảo ở Công ty Liên Kết Việt gây hệ lụy lớn về mặt xã hội là hồi chuông cảnh báo về quản lý nhà nước, không chỉ trong lĩnh vực bán hàng đa cấp mà cả trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Nhà nước cần quy định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát của từng cơ quan và xử lý nghiêm minh trong từng vụ việc khi có sai phạm. Hiện nay, dư luận rất cần nghe tiếng nói của Bộ Quốc phòng, lời giải thích của Cục Cạnh tranh – Bộ Công thương, tiếng nói của cơ quan thuế… chứ không dừng lại ở việc các cơ quan này chỉ nêu ý kiến hoặc im lặng rồi đùn đẩy trách nhiệm cho xong.
Diệp Khánh (DNSGCT)