Dự báo của tờ báo nổi tiếng Telegraph (Anh) trong bài viết mới đây cho rằng năm 2016 rất quan trọng với hai thành viên chủ chốt của EU là Đức và Pháp, bởi cả hai đều sẽ phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử vào năm 2017, trong tình hình người dân hai quốc gia này đều ngày càng thiên về chủ nghĩa dân tộc, hoài nghi các chính sách của EU.
Mối quan hệ Đức – Pháp, nền tảng của Liên minh châu Âu, sẽ xuất hiện những rạn nứt khi lợi ích của hai nước ngày càng trở nên khác biệt. Đức sẽ phản đối đề xuất của Pháp nhằm tăng cường tính gắn kết của châu lục, đặc biệt là các quốc gia Eurozone, và tăng chi tiêu trong khối. Paris và Berlin sẽ ngày càng khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung nhằm tìm ra những biện pháp bảo vệ EU trước nguy cơ tan rã.
Trong năm 2016, EU sẽ đối mặt với một loạt vấn đề, trong đó cuộc khủng hoảng tại Hy Lạp vẫn chưa chấm dứt. Dù nguy cơ Hy Lạp phá sản hoặc rời khỏi Eurozone không cao như năm 2015, các cuộc đàm phán giảm nợ cho nước này có thể sẽ bị trì hoãn đến cuối năm 2016. Bởi vậy, Hy Lạp trong năm tới sẽ phải đối mặt với tình hình bất ổn xã hội, đẩy nước này vào thế đối đầu không thể tránh khỏi với các chủ nợ châu Âu.
Tờ Telegraph trong bài viết cuối năm đánh giá năm 2016 “là năm mà EU sẽ phân hóa mạnh”, khi những khó khăn của đồng tiền chung euro không được giải quyết, tỷ lệ tăng trưởng chỉ ở mức 0,3%, còn tỷ lệ thất nghiệp không hề có dấu hiệu suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp ở Tây Ban Nha đang ở mức 23%, còn ở Hy Lạp là hơn 25%.
Các chuyên gia phân tích nhận định EU không thể giải quyết được khủng hoảng kinh tế bởi đồng tiền chung của họ không được coi là một động lực kinh tế. Việc cưỡng ép những nền kinh tế quá khác biệt như Đức và Hy Lạp vào một khối luôn dẫn tới nợ nần và tê liệt.
Một yếu tố khác khoét sâu mâu thuẫn trong lòng EU chính là cuộc khủng hoảng tỵ nạn. Trong năm 2015, hơn 1 triệu người từ các mảnh đất chiến sự ở Trung Đông và Bắc Phi đã tràn tới châu Âu qua ngả Địa Trung Hải. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2016, và EU sẽ không có cách nào ngăn cản được.
Sự xâm nhập ồ ạt của dòng người tỵ nạn có thể thổi bùng ngọn lửa giận dữ trong lòng xã hội châu Âu, dẫn tới những cuộc chống đối vào năm 2016 nếu những kẻ khủng bố tiếp tục trà trộn vào dòng người này để thực hiện các vụ tấn công ở các nước phương Tây. IS công khai tuyên bố sẽ gửi các chiến binh vượt biên tới châu Âu, trong khi nhà chức trách Lebanon ước tính cứ 50 người tỵ nạn Syria lại có một phần tử IS.
Khi những vụ khủng bố như thảm sát Paris lặp lại, dòng người tuần hành tưởng niệm nạn nhân có thể biến thành những cuộc biểu tình chống EU. Những vụ chém giết trên đường phố sẽ là biểu tượng của sự thất bại trong chính sách của các quan chức EU.
N. Nam (DNSGCT)