Tranh cãi về việc thiếu thống nhất trong áp mã số hàng hóa nhập khẩu đang là vấn đề nóng trong thời gian gần đây. Tại hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp và lãnh đạo Cục Hải quan thành phố diễn ra 15-12 tại TP.HCM, nhiều doanh nghiệp bức xúc khi hải quan áp sai mã số hàng hóa dẫn đến áp sai thuế giá trị gia tăng, thuế nhập khẩu, ảnh hưởng không nhỏ đến lợi ích của doanh nghiệp.
Tại buổi đối thoại, đại diện Công ty cổ phần Pin Ắc quy miền Nam cho biết, công ty có nhập khẩu một số loại vật tư phục vụ sản xuất theo Giấy phép đăng ký kinh doanh, nhưng Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Chi cục Hải quan cửa khẩu Cát Lái) đã áp mã HS code (mã số hàng hóa) các vật tư nhập khẩu theo tên khác với thuế suất rất cao. Chi cục này còn yêu cầu doanh nghiệp đi kiểm định chất lượng hàng hóa, một việc vốn rất mất thời gian vì liên quan đến các bộ, ngành khác.
Việc áp dụng mã số hàng hóa không thống nhất cũng là vấn đề mà Công ty Ajinomoto Việt Nam đang gặp phải. Công ty này nhập khẩu mặt hàng Amix – mật từ chiết xuất đường củ cải (dạng lỏng) để sản xuất bột ngọt. Với mặt hàng này, Chi cục Hải quan Quản lý hàng đầu tư áp thuế giá trị gia tăng là 5%, thế nhưng gần đây, Chi cục này lại yêu cầu áp thuế 10%. Ajinomoto Việt Nam cho biết đến nay công ty chưa tìm ra quy định nào áp thuế suất 10% cho mặt hàng mật gỉ đường, đồng thời cũng chưa thấy có quy định nào thay đổi mức thuế trên.
Các trường hợp thiếu thống nhất trong việc áp dụng mã hàng hóa tính thuế không phải vấn đề mới. Tháng 11, tám doanh nghiệp sữa đã gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Hải quan tính thuế bất nhất với các lô hàng nhập khẩu Anhydrous Milk Fat (AMF) khiến các doanh nghiệp này bị truy thu thuế hàng trăm tỉ đồng.
Được biết, mặt hàng này được doanh nghiệp nhập khẩu từ năm 2000 với mức thuế 5%, hiện nay bị truy thu và áp dụng mức thuế 15%. Đặc biệt, yêu cầu doanh nghiệp kiểm định chất lượng đối với các hàng hóa đã nhập trước đó của các Chi cục hải quan cũng khiến doanh nghiệp mất thời gian và không ít chi phí. Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới và các thủ tục hải quan, thuế cần minh bạch, thông thoáng chứ không nên là công cụ gây khó cho doanh nghiệp.
Về vấn đề của Pin Ắc quy miền Nam và Ajinomoto, đại diện Cục Hải quan TP.HCM khẳng định tại hội thảo hai doanh nghiệp nêu trên đều bị áp sai thuế suất và hải quan chỉ áp dụng mức thu thuế 5% như ban đầu. Có thể thấy, đã có những nhập nhằng từ phía cơ quan quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Riêng vấn đề của tám doanh nghiệp sữa, việc khiếu kiện hoàn toàn có khả năng xảy ra vì doanh nghiệp hiện đang nắm nhiều bằng chứng về việc hải quan đã áp thuế sai.
Quản lý rủi ro, chỉ kiểm tra 1% đến 5% các lô hàng nhập của những doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định hải quan hiện nay được xem là một giải pháp để tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, thế nhưng đến nay số doanh nghiệp được hưởng lợi từ công cụ này còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng việc cải cách kiểm tra chuyên ngành từ 1-1-2016 có sự phối hợp của cơ quan quản lý và giải quyết trực tiếp tại các cửa khẩu sẽ giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cho quá trình thông quan.