Số liệu thống kê của chính phủ đưa ra hôm cuối tuần qua cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 10 tăng 7% so với cách đây một năm. Tính theo tháng thì chỉ số giá tiêu dùng của tháng 10 này tăng 0,85% so với tháng 9.
Tờ The Wall Street Journal nói rằng chỉ số giá tiêu dùng Việt Nam có thể tăng đến 8% trong năm nay, đúng như dự báo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra hồi đầu tuần này.
Tiến sĩ Vương Quân Hoàng, người đứng đầu Tổ chức nghiên cứu DHVP Research ở Hà Nội, nói rằng: “Lạm phát tăng trong năm tháng qua do chính phủ cho phép giá cả trong ngành giáo dục và y tế tăng, nhưng tỷ lệ lạm phát được dự báo sẽ tăng chậm lại trong tháng 11 và tháng 12 bởi không có tác nhân nào khác đẩy giá cả lên trong lúc mức cầu hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế nội địa đang yếu đi”.
Một đồn điền cà phê của nhà đầu tư Việt Nam trên đất Lào
Một loạt đợt tăng mạnh lãi suất bắt đầu hồi năm 2011 đã chặn được lạm phát có lúc lên đến mức đỉnh là trên 20% hồi năm ngoái, nhưng đồng thời các biện pháp đó cũng kéo chậm lại tăng trưởng kinh tế.
Trong phát biểu hồi đầu tuần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thừa nhận quản lý kinh tế “yếu kém” của chính phủ và cảnh báo rằng tăng trưởng kinh tế năm nay chỉ đạt mức 5,2% so với mức 5,9% của năm ngoái. Và đó cũng sẽ là mức tăng trưởng thấp nhất của ViệtNamkể từ năm 1999.
Các số liệu này được đưa ra vào lúc Quốc hội đang nhóm họp và bàn luận đến nhiệm vụ điều chỉnh lại kế hoạch phát triển kinh tế cho cả nước.
Hai vấn đề nổi cộm được các chuyên gia quan tâm là mức cầu trên thị trường Trung Quốc và châu Âu giảm đã ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, trong khi đó hệ thống ngân hàng bị chìm ngập trong nợ xấu. Gánh nặng nợ xấu của hệ thống ngân hàng, theo số liệu chính thức là dưới 10%, còn theo các nhà phân tích độc lập thì lên đến 15%, sẽ ảnh hưởng đến các chính sách tiền tệ và khiến cho ngân hàng thắt chặt việc cho vay.
Việt Nam hiện xếp thứ 99 trên tổng số 185 nền kinh tế trên thế giới được đánh giá trong bản báo cáo kinh doanh “Doing Business 2013” do Ngân hàng Thế giới và Tập đoàn Tài chính Quốc tế vừa công bố đầu tuần qua.
Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh này, ViệtNamđã thực thi các cải cách về tổ chức và luật lệ để cải thiện môi trường kinh doanh.
Các tiêu chí ViệtNamđược đánh giá thứ hạng cao bao gồm cấp phép xây dựng (xếp thứ 28), cấp tín dụng (hạng 40), thực thi hợp đồng (hạng 44) và đăng ký tài sản (hạng 48).
Trong số các tiêu chí ViệtNambị xếp hạng thấp có khâu bảo vệ nhà đầu tư, giải quyết phá sản, mở hoạt động kinh doanh và nộp thuế.
Giám đốc World Bank tại Việt Nam Victoria Kwakwa nói rằng Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để bắt kịp các nền kinh tế khác trong khu vực về lĩnh vực môi trường kinh doanh.
Bản báo cáo cũng cho biết rằng các nước đang phát triển trong thời gian qua đã đạt những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện luật lệ kinh doanh.
Riêng ViệtNamđược xem là đã có những bước tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc mở cơ sở làm ăn kinh doanh.
Singapore trong bảy năm liền tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng môi trường kinh doanh “Doing Business”. Kế tiếp là Hongkong, New Zealand, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Na Uy và Anh.