Ở thời điểm thiên hạ đang nhao lên nên giữ hay bỏ môn Lịch sử cấp phổ thông, nhìn lại môn Văn cũng một thời được đem “xẻ thịt” nhưng rồi đâu cũng vào đấy!
“Văn là người” không ai chối cãi, thế nhưng không nói đến một áng văn hay, một trang chữ tốt, giờ đây chỉ riêng lỗi chính tả thôi đã thấy lắm người gặp lúng túng. Đừng tưởng chính tả không quan trọng, đôi khi chỉ sai một lỗi chính tả mà gây ra lắm phiền phức, hay vụt mất cơ hội.
Bà cụ năm nay 85 tuổi, vẫn còn khỏe và minh mẫn, đọc sách, xem phim theo dõi thời sự hằng ngày, nói chuyện, nhận xét thời cuộc vẫn “bén” lắm. Bà vừa bán một ngôi nhà bỏ không mười năm nay. Bốn người con của bà ai cũng có nhà riêng. Trước bà ở một mình, sau con cái sợ bà đêm hôm gió máy, năn nỉ mãi cụ mới chịu về ở với cô Út.
Bán được nhà, bà cụ vui lắm. Bởi mỗi ngày bà không phải đến dọn dẹp dù không ai ở. Vui nữa là bà có một khoản tiền gửi ngân hàng lấy lãi hằng tháng chi dùng cá nhân như khám bệnh, mua thuốc, sữa, ăn sáng, hiếu hỷ… mà không phải nhận tiền từ các con.
Trước đây, mỗi tháng các con của bà mỗi người biếu mẹ một ít để mẹ dùng riêng. Bây giờ trong bốn anh em có hai người nghỉ hưu. Bà biết lương hưu không bao nhiêu mà hai người ấy còn phải lo cho con đang đi học nên bà cũng có phần lo lắng, áy náy. Vui, còn là tâm lý “có tiền”, không phải nặng gánh cho các con khi “hậu sự” và bà an lòng sau này khi bà qua đời, các con sẽ có mỗi người một ít…
Mang nặng tâm lý của người trải qua nhiều bể dâu, mất mát cũng nhiều nên bà cụ hay tính toán, lo lắng này khác, nhất là tiền bạc. Việc bán nhà khi bà còn sống tránh được phiền hà sau này cho con cái nếu nhà chưa bán được. Nói chung, giải quyết được nhà cửa xong xuôi bà cụ vui và khỏe hẳn ra.
Người mua đặt cọc ban đầu nửa tỉ đồng, giấy tờ hoàn tất sẽ trả đủ khi giao nhà. Cô Út nhận nhiệm vụ gửi ngân hàng. Gửi xong, cầm sổ tiết kiệm, cô chỉ kiểm tra số tiền, ngày tháng mà không đọc kỹ địa chỉ nhà ở mặt trước.
Về đưa sổ cho mẹ, bà cụ đọc không sót một dấu… phẩy và phát hiện một lỗi chính tả (theo bà là trầm trọng): địa chỉ nhà ở đường Lê Chân, nhưng trên sổ ghi là “Lê Trân”. Bà cụ không chịu, nói bảo cô Út ra ngân hàng làm lại, nhưng vì bận bịu lo giấy tờ nhà, cô hẹn cuối tháng nhận lãi sẽ điều chỉnh.
Lúc này bà cụ mới nói, khi nào nhận hết tiền bán nhà thì không gửi ngân hàng này nữa, chuyển sang gửi hết vào một ngân hàng khác. Theo ý bà, chỉ riêng việc ghi sai chính tả đủ thấy không tin tưởng rồi! Lỡ vì một lý do nào đó, có sự tranh cãi gây phiền hà bởi cái tên đường thì sao? Sống gần trọn thế kỷ, bà chứng kiến bao nhiêu mâu thuẫn phát sinh, đôi khi bế tắc, không giải quyết được chỉ vì một lý do cỏn con, không đáng có.
Qua câu chuyện của bà cụ, mới thấy, chỉ vì chút sơ sót mà một ngân hàng đã mất đi khoản tiền gửi hơn 3 tỉ đồng từ một khách hàng, nhất là vào thời điểm các ngân hàng cần khách hàng như hiện nay.
- Xem thêm: Lời hứa và niềm tin
Suy nghĩ rộng hơn về các văn bản, giấy tờ liên quan đến công việc, giải quyết cuộc sống… nhiều khi chỉ nhầm lẫn giữa dấu sắc với dấu huyền mà làm thay đổi cả số phận một con người.
Một chị kể chuyện, sau khi nghỉ hưu chị chuyển vào thành phố sống với con. Để thuận tiện trong việc khám chữa bệnh, chị làm thủ tục chuyển bảo hiểm y tế. Việc đầu tiên là phải có tạm trú trong hộ khẩu nhà con. Lúc nhận sổ hộ khẩu chị không để ý người ta ghi năm sinh của chị là… 2015.
Báo hại, chỉ vì con số không đúng này mà chị phải đi về, tốn kém mấy lần mới làm xong thủ tục. Trách người công chức phụ trách công việc làm sổ, nhưng trước tiên nên tự trách mình. Nếu lúc nhận sổ kiểm tra kỹ thì đâu đến nỗi!
Vậy đấy, “văn là người” và liên quan đến nhiều thứ khác trong cuộc sống nếu chúng ta chủ quan, không chú trọng đến nó!