Trưởng nhóm kinh tế gia Maurice Obstfeld thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuần qua khẳng định rằng việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đồng USD sớm sẽ dẫn đến những rủi ro cao hơn cho nền kinh thế giới nói chung, trong khi việc trì hoãn tăng lãi suất không mang đến rủi ro cho nền kinh tế Mỹ. Đến nay, FED đã tuyên bố rõ rằng có thể họ sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong vòng chín năm qua, sớm nhất là trong tháng 12 tới, sau khi đã liên tục trì hoãn động thái này bởi nền kinh tế Mỹ và toàn cầu chưa thật sự vững vàng.
Viễn cảnh lãi suất tiền gửi USD sẽ tăng lên từ mức 0,25%/năm, vốn đã được giữ suốt từ cuối năm 2008, đã tạo nên làn sóng nhẹ đầu tiên trên thị trường tài chính thế giới bởi nó đồng nghĩa với việc chi phí vay đồng USD sẽ cao hơn đối với các chính phủ và doanh nghiệp trên thế giới, mà rất nhiều trong số đó đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Theo ông Obstfeld, FED vẫn chưa đưa ra quyết định sau cùng và kết quả sẽ phụ thuộc nhiều vào những thống kê kinh tế từ nay đến khi FED có cuộc họp sau cùng (15 và 16-12 tới). Có điều, chưa thể biết liệu hai chỉ báo quan trọng nhất đối với FED là tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát có đủ để FED quyết định tăng lãi suất hay tiếp tục chờ đợi. Báo cáo mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tháng 10 tại Mỹ đã giảm xuống mức dưới 5%, có nghĩa là rất an toàn, trong khi tỷ lệ lạm phát dưới 2% đang được kiểm soát rất tốt suốt 10 năm nay. Chính vì vậy, khả năng lãi suất USD sẽ tăng trong tháng tới lên đến hơn 90%. Thống đốc FED tại chi nhánh Chicago, New York và cả giới phân tích từ Bank of America cũng cho rằng việc tăng lãi suất trong thời điểm này hoàn toàn có lợi cho nền kinh tế Mỹ với rủi ro dài hạn rất thấp. Đồng thời, Thống đốc FED chi nhánh Chicago khẳng định tỷ lệ tăng trưởng kinh tế Mỹ trong một năm rưỡi tới vẫn sẽ đạt mức trung bình 2,5%/năm. Tuy nhiên, phía đối tác của FED tại châu Âu đang phải tiếp tục con đường nới lỏng chính sách tiền tệ. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) theo đuổi chiến lược mở rộng việc thu mua tài sản và hạ thấp lãi suất khi đứng trước tình hình lạm phát thấp, tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức cao và tăng trưởng kinh tế thấp. Việc FED tăng lãi suất sẽảnh hưởng trực tiếp đến ECB, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Trung Quốc.
B. Trịnh theo AFP (DNSGCT)