Đang mùa Halloween với những lễ hội hóa trang ma quỷ đã phổ biến từ lâu ở phương Tây và được du nhập vào Việt Nam gần đây. Nhân dịp này, Laura Cumming, nhà phê bình mỹ thuật người Anh đã điểm lại những tác phẩm kinh dị của nhiều gương mặt kiệt xuất trong lĩnh vực hội họa.
Hóa ra, tranh vẽ chủ đề này đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử mỹ thuật thế giới.
Đầu tiên phải kể đến bức tranh bộ ba Địa ngục của Hans Memling (1430-1494), họa sĩ gốc Đức nhưng sang Bỉ sống và vẽ. Memling có lẽ là người đầu tiên mô tả cảnh rùng rợn của địa ngục với những người đàn ông, đàn bà đang chịu khổ hình, bị lũ quỷ xẻ thịt, nấu vạc dầu…, bị những con rồng phun lửa, những con cá khổng lồ cắn xé… “Không có sự cứu chuộc nào dưới địa ngục” – bức tranh khổng lồ này được tác giả vẽ như một lời cảnh tỉnh đối với tội ác mà con người phạm phải trên dương thế.
Hieronymus Bosch (1495-1515) là họa sĩ Hà Lan chuyên vẽ những bức tranh huyền hoặc mang tính chất đạo đức và tôn giáo, điển hình là tác phẩm Sự cám dỗ thánh Antoine, cũng là tranh bộ ba khổ lớn, mô tả những sự cám dỗ và cả những nhục hình của quỷ dữ đối với thánh Antoine. Đây là đề tài được một số họa sĩ phương Tây sau này như Max Ernst, Salvador Dali tiếp tục khai thác nhưng chỉ trong tranh Bosch thì sự ghê rợn mới được mô tả thật chi tiết.
Trong thần thoại Hy Lạp, Medusa là một trong số ba chị em quỷ có tên chung là Gorgon gồm Stheno, Euryale và Medusa. Do tự phụ về nhan sắc, coi mình còn xinh đẹp hơn nữ thần Athena nên khi Medusa bị Poseidon hãm hiếp thì Athena biến nàng thành nữ quỷ với mái tóc rắn độc và hung dữ khủng khiếp nhất. Sau đó Medusa bị Perseus, con trai của thần Zeus chém đầu và gắn lên tấm khiên của mình, nhưng từ cổ của Medusa xuất hiện thần mã Pegasus và bay thẳng về trời. Trong tác phẩm Medusa của Caravaggio (1571-1610), có người cho rằng bậc thầy người Ý đã dùng chính khuôn mặt mình để vẽ nữ quỷ Medusa!
Cũng theo thần thoại Hy Lạp thì thần Saturn tin rằng số mệnh khiến ông sẽ bị chính những con trai của mình đánh bại, do vậy ông đã ăn thịt hết những đứa con vừa sinh ra để giải trừ lời tiên tri. Thảm kịch kinh dị này cũng được nhiều họa sĩ phương Tây đưa vào tranh, trong đó nổi tiếng nhất là bức Saturn ăn ngấu nghiến con trai của họa sĩ danh tiếng người Bỉ Paul Rubens (1577-1640). Sự mô tả tỉ mỉ động tác ăn thịt người khiến bức tranh được coi là một tác phẩm kinh dị bậc nhất.
Trong sự nghiệp sáng tác của họa sĩ Thụy Sĩ Henry Fuseli (1741-1825), ông được biết đến nhiều nhất với tác phẩm Ác mộng, mô tả một phụ nữ trong cơn mộng dữ với con quỷ ngồi trên thân mình và một cái đầu ngựa, tượng trưng cho tín ngưỡng dân gian về những cơn ác mộng (tựa như lũ quỷ đầu trâu mặt ngựa dưới âm ty trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam). Bức tranh nổi tiếng tới mức tác giả phải vẽ ba bản khác gần giống nhưng với bố cục khác. Sau này, khi nói tới thế giới tiềm thức trong phân tâm học của Sigmund Freud, người ta thường minh họa bằng tranh Ác mộng của Fuseli.
Họa sĩ người Pháp theo chủ nghĩa lãng mạn Théodore Géricault (1791-1824) có một tác phẩm rất đáng sợ là Đầu bị cắt rời, mô tả hai cái đầu bị cắt rời khỏi cổ nằm trên giường, máu me ướt đẫm vải giường nhưng như đang còn sống; người nữ vẫn say giấc trên gối trong khi người nam như đang ngáy.
Và còn nhiều tác phẩm khác rất phù hợp với lễ ma quỷ Halloween như bức Ma bọ chét của họa sĩ cũng là nhà thơ lớn người Anh William Blake (1757-1827), người vẽ rất nhiều tranh về địa ngục, đặc biệt là các minh họa cho tập thơ Hỏa ngục của thi hào Dante hay các tác phẩm của họa sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya (1746-1828)…
- Lê Bản