Ngày 5-10-2015 vừa qua, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 bên ký kết, chỉ còn chờ Quốc hội các nước phê duyệt là có hiệu lực thi hành. Nhiều chuyên gia cho đây là một hiệp định “có tính lịch sử” vì phạm vi và nội dung sâu rộng, chưa từng có của Hiệp định này. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10, xin bàn một số vấn đề liên quan, để doanh nhân nước ta cùng suy ngẫm nhằm thực hiện TPP đạt hiệu quả cao nhất.
Tận dụng những cơ hội từ TPP
Gia nhập TPP, Việt Nam gắn với nền kinh tế của 12 nước với 800 triệu dân thuộc khu vực phát triển năng động nhất chiếm 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu. Nhiều chuyên gia thế giới, như Deboral Elms – Giám đốc Asia Trade Center cho rằng người chiến thắng lớn nhất là Việt Nam. Nhà đầu tư sẽ đổ tới nước này, tiếp theo là Malaysia và Nhật Bản (VNExpress, 5-10-2015). Theo giới nghiên cứu, Việt Nam có thêm thị trường xuất khẩu rộng lớn với thuế suất giảm dần (nhất là dệt may, thủy sản), có cơ hội thu hút đầu tư, nhất là từ các doanh nghiệp, các tập đoàn với công nghệ hiện đại, v.v… Nhờ vào TPP, đến năm 2025, GDP nước ta sẽ tăng thêm 35,7 tỉ USD tức 10,5% và kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng thêm 67,9 tỉ USD, tức 28,8% (Xin xem thêm “10 điểm Việt Nam được hưởng từ TPP” trên Tuổi Trẻ Online ngày 8-10-2015).
Tuy nhiên, thách thức, khó khăn cũng không nhỏ, đó là: chất lượng hàng hóa của ta còn thấp, sức cạnh tranh chưa cao (như ngành chăn nuôi đang có những sản phẩm giá thành cao hơn hàng nhập khẩu, dễ bị tổn thương nhất, và ngay trong ngành may mặc, cũng còn vấn đề xuất xứ của nguyên vật liệu đang cần giải quyết để có thể được thuế nhập khẩu bằng 0% khi vào thị trường Hoa Kỳ); chúng ta cũng chưa quen với các hàng rào kỹ thuật để bảo vệ hàng nội địa khi hàng nhập khẩu gia tăng, v.v…
Trên đây chỉ nêu tóm tắt một số thuận lợi và khó khăn của nền kinh tế nước ta khi vào TPP được báo chí đăng tải dồn dập thời gian gần đây, trên thực tế còn nhiều, và khi TPP được triển khai, sẽ còn nhiều vấn đề sẽ nảy sinh, các cơ hội cũng như thách thức sẽ được đánh giá bình tĩnh, tỉnh táo hơn. Liệu nước ta có tận dụng được những cơ hội từ TPP mang lại hay không, điều này tùy thuộc vào chính chúng ta.
Riêng đối với doanh nghiệp nước ta, cùng với công cuộc đổi mới, số doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đang tiếp tục tăng lên. Tính đến cuối năm 2013, đã có 723.653 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (theo Sách trắng DNNVV 2014, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT). Từ đầu năm 2015 đến nay, qua chín tháng, đã có khoảng 68.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, là một tín hiệu vui.
Cùng với đà phát triển doanh nghiệp, tầng lớp doanh nhân cũng đã xuất hiện và ngày một trưởng thành. Doanh nhân nước ta đã có quá trình 20 năm hội nhập kinh tế quốc tế: từ gia nhập ASEAN năm 1995, đến bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ năm 2000, gia nhập WTO năm 2006, ký kết FTA với hàng loạt nước mấy năm gần đây và đến nay – 2015, gia nhập TTP; cứ mỗi chặng đường hội nhập, doanh nhân nước ta học thêm được nhiều điều bổ ích và có thêm nhiều kinh nghiệm. Đáng quý là lớp doanh nhân trẻ, độ tuổi 20-30 đang rất sung sức, đầy triển vọng; họ được học tập bài bản, được tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, kiến thức quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Tuy nhiên, nhìn chung, doanh nghiệp nước ta đang phát triển dưới tiềm năng. So với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, số doanh nghiệp tính trên người dân của ta còn quá thấp, ở nhiều nước, cứ 15-20 người, có một doanh nghiệp trong khi nước ta hơn 100 người mới có một doanh nghiệp mà khoảng trên 90% vẫn còn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, rất chậm lớn. Đang còn những nút thắt về thể chế, về quản lý nhà nước đang hạn chế, thậm chí kìm hãm sức vươn lên của doanh nghiệp, doanh nhân.
Trong sân chơi TPP rộng lớn ngày nay, cần xác định doanh nghiệp tư nhân là chủ lực. Cần tháo gỡ các rào cản để nâng tầm nhìn, tăng năng lực của doanh nghiệp – doanh nhân khu vực tư nhân, bảo đảm hiệu quả cao của kinh tế nước ta trong hội nhập. Dưới đây, xin nêu một số vấn đề cần được quan tâm.
Nâng cao tầm nhìn và năng lực cho doanh nhân
Nâng cao tầm nhìn, năng lực của doanh nhân trước hết là trách nhiệm của bản thân doanh nhân, song cũng đòi hỏi nâng cao tầm nhìn, năng lực lãnh đạo của giới lãnh đạo, quản lý. Đó là tầm nhìn về vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, về những giá trị phổ quát của thế giới về con đường phát triển và xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại; là năng lực lãnh đạo, quản lý, năng lực hoạch định thể chế để sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của xã hội nhằm đưa đất nước phát triển bền vững, người dân có cuộc sống hạnh phúc.
Hai vấn đề lớn của chúng ta hiện nay là:
1. Khẩn trương cải cách thể chế, vì thể chế là nhân tố quyết định nhất của sự phát triển bền vững của đất nước, cũng là nhân tố quyết định sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sự lớn mạnh của doanh nhân khi vào TPP. Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh cải cách thể chế theo hướng phát huy mọi tiềm năng của dân vào sản xuất, kinh doanh, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu, dựa trên năng suất, chất lượng. Đồng thời, theo Hiệp định đã ký, TPP cũng đòi hỏi nước ta cải cách thể chế để thực hiện đầy đủ các cam kết. Đó là thể chế theo tiêu chuẩn của các nước tiên tiến, như Mỹ, Nhật, Úc hoặc Canada; và ngoài thể chế trong kinh tế, còn là thể chế trong quản trị nhà nước, như về mua sắm công, về công khai, minh bạch trong các quyết định; về quyền khiếu kiện giữa doanh nghiệp và Nhà nước, v.v… Như vậy, cải cách thể chế để tạo dựng môi trường kinh doanh theo các tiêu chuẩn của TPP cũng đồng thời là yêu cầu bức thiết của kinh tế nước ta. Phải dứt khoát tuân thủ các quy luật của kinh tế thị trường hiện đại, chấm dứt sự can thiệp của các cơ quan, tổ chức vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các nhóm lợi ích thao túng và tham nhũng phát triển. Các doanh nghiệp bình đẳng trong kinh doanh; kinh tế tư nhân phải được coi là động lực của tăng trưởng kinh tế, doanh nghiệp tư nhân là chủ lực trong gia nhập TPP.
Đồng thời, phải đẩy mạnh cải cách hành chính, xóa bỏ những thủ tục hành chính đang gây ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi vào TPP cũng như thực hiện các cam kết khác trong hội nhập quốc tế. Cần khắc phục tình trạng một số bộ đã và đang tiếp tục soạn thảo, ban hành thông tư quy định về điều kiện kinh doanh, một việc làm trái thẩm quyền, ngược với Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2015. Bộ máy nhà nước cần hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, nhất là các cơ quan thuế, hải quan cho phù hợp với các cam kết trong TPP và tránh được rủi ro cho doanh nghiệp trong nước; đội ngũ cán bộ công chức phải liêm khiết, tinh thông nghiệp vụ; triệt để xóa bỏ tệ nạn tham nhũng.
2. Bồi dưỡng, đào tạo một đội ngũ doanh nhân ngang tầm thời đại, có tầm nhìn mới, năng lực mới, nhất là lớp doanh nhân trẻ, tập trung vào nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Doanh nhân cần có tầm nhìn mới, đó là: (i) Tầm nhìn ra thế giới, nắm bắt được những xu thế chuyển động của kinh tế thế giới, của chuỗi giá trị gia tăng và mạng sản xuất của toàn cầu và khối TPP, quan trọng nhất là nắm được những cam kết, lộ trình TPP mà các quốc gia thành viên phải tuân thủ để từ đó có những ý tưởng khởi nghiệp phù hợp và tận dụng được các ưu đãi mà TPP tạo ra, bước những bước vững chắc vào sân chơi mới; (ii) Đó là tầm nhìn mới trong tiếp thu kiến thức về khoa học, công nghệ cũng như kỹ năng quản trị kinh doanh trong doanh nghiệp của các nước phát triển trong TPP; (iii) Là ý chí, tầm nhìn vào gương sáng của những doanh nhân thành đạt trên thế giới và trong khu vực với tinh thần “không có gì là không thể” của lớp trẻ đã làm nên những điều kỳ diệu, đưa doanh số của công ty lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỉ USD, v.v…
Năng lực mới của doanh nhân nước ta trong bước gia nhập TPP ngày nay cũng cần được xác định và vun đắp. Đó là (i) Gốc của năng lực chính là lòng yêu nước, là nhiệt huyết của tuổi trẻ, muốn đóng góp cho đất nước, đây là động cơ thúc đẩy doanh nhân nước ta đổi mới, sáng tạo, vươn lên phát triển sản xuất kinh doanh; (ii) Là năng lực quản trị doanh nghiệp: nắm vững và ứng dụng có hiệu quả khoa học công nghệ tiên tiến và kỹ năng quản trị doanh nghiệp hiện đại, tập trung vào nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ, có so sánh với từng đối tác trong TPP; (iii) Năng lực thực hiện rộng rãi liên kết, liên doanh với các doanh nghiệp trong ngành, ngoài ngành nhằm nâng cao giá trị gia tăng và chất lượng sản phẩm, chú trọng liên kết trong những ngành yếu thế như nông nghiệp, giúp giảm thiểu thua thiệt khi vào TTP; (iv) Và cuối cùng, đó là năng lực tham gia các tổ chức xã hội, qua các tổ chức này mà cùng nhau tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình (như các vụ kiện bán phá giá rất dễ xảy ra); đồng thời cũng qua các tổ chức này mà nâng cao chất lượng các ý kiến đóng góp xây dựng hệ thống thể chế, hoàn thiện môi trường kinh doanh, để tranh thủ đến mức cao nhất những lợi ích mà TPP mang lại.
Tóm lại, tầm nhìn và năng lực của doanh nhân phụ thuộc có ý nghĩa quyết định vào thể chế, thể hiện tầm nhìn và năng lực của giới lãnh đạo, quản lý, cũng tức là năng lực cạnh tranh quốc gia. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay, hy vọng rằng, trong sân chơi TPP đang có nhiều hứa hẹn và cũng có nhiều trắc trở phải vượt qua, hệ thống thể chế có những đột phá nhằm xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh tận dụng được những cơ hội từ TPP, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Vũ Quốc Tuấn (DNSGCT)
Các doanh nghiệp nhỏ vừa của Việt Nam đóng góp hơn 40% GDP, 30% thu ngân sách và 30% sản lượng công nghiệp hằng năm