Như chúng ta đã biết, Cộng đồng ASEAN ra đời mở ra một thị trường rộng lớn hơn của 600 triệu dân, bình đẳng cho các doanh nghiệp có cơ hội trao đổi thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một không gian thị trường mở. Các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chi phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm…
Thế nhưng có một câu hỏi được đặt ra là liệu người dân được lợi gì khi Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực? Suy nghĩ này từng đã được Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cập nhiều lần, theo đó các lợi ích chung nhất xuất phát từ những thành quả hợp tác trong các lĩnh vực chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội. Nhiệm vụ hàng đầu của Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN là bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, từ đó tạo môi trường phát triển thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên. Do vậy, với việc các nước ASEAN tăng cường hợp tác với nhau về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng… được sống trong một môi trường hòa bình, hữu nghị, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.
Sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh của AEC, nhất là trong khuôn khổ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin tình báo… góp phần giúp cho người dân có được cuộc sống an toàn hơn.
Việc ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền, với việc thành lập Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) và thông qua Tuyên bố ASEAN về Nhân quyền (AHRD) đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân.
Về mặt kinh tế, một nghiên cứu gần đây cho thấy việc thực hiện đầy đủ AEC và các hiệp định FTA ASEAN+1 vào năm 2018 sẽ giúp các nước ASEAN tăng thu nhập quốc dân thêm 4,5% so với năm 2007, tạo việc làm, giúp lương của lao động giản đơn tăng hơn 7,6%, riêng lương của lao động lành nghề có thể tăng tới 9,6%.
Trong quá trình thực hiện AEC, các nước ASEAN sẽ nhanh chóng lập Thẻ Doanh nhân ASEAN, hình thành cổng xuất nhập cảnh ASEAN tại các cửa khẩu… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nhân và người dân các nước khu vực di chuyển dễ dàng hơn.
Về mặt giáo dục, hiện ASEAN đang triển khai thí điểm việc công nhận bằng cấp, tín chỉ trong Mạng các trường đại học ASEAN-AUN (gồm có 26 thành viên), sau đó sẽ mở rộng dần. Tại Việt Nam, hiện có trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ đang tham gia AUN. Hình thức thử nghiệm chủ yếu là công nhận tín chỉ. Ví dụ, sinh viên của Việt Nam có thể học một số học kỳ trong nước, một số học kỳ ở nước ngoài và sau khi hoàn thành chứng chỉ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học.
Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hướng tới hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, tạo điều kiện cho người dân, nhất là lao động có tay nghề, tự do di chuyển và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực. Điều này rất quan trọng đối với Việt Nam, vì hằng năm chúng ta có nhiều lao động xuất khẩu ra nước ngoài.
Về mặt xã hội, hợp tác về quyền của người lao động di cư, quyền của phụ nữ, trẻ em sẽ góp phần đảm bảo quyền của các nhóm đối tượng đặc thù. Hiện nay, ASEAN đang trong quá trình xây dựng nhiều văn kiện có tính ràng buộc pháp lý nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các nhóm đối tượng này.
Trong lĩnh vực y tế, phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS… sẽ giúp người dân được bảo vệ tốt hơn trước các nguy cơ dịch bệnh lây lan.
Hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp sẽ giúp các nước thành viên từng bước nâng cao khả năng và năng lực thích nghi và giảm thiểu các tác động của biến đối khí hậu, ứng phó nhanh và hiệu quả hơn với thiên tai trong khu vực, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trong tình huống thảm họa…
Một lợi ích khác có tác động thiết thân đối với cuộc sống người dân là sự an toàn trước các tệ nạn gây ra bởi tội phạm xuyên quốc gia, đến đời sống mưu sinh, làm ăn kinh tế, môi trường giáo dục học hành cho con em và nhu cầu giao lưu du lịch, tìm hiểu văn hóa.
Đức Minh tổng hợp (DNSGCT)