Trong một nỗ lực ngăn chặn hệ thống tài chính sụp đổ, Hy Lạp đã phải đóng cửa các ngân hàng kể từ ngày 29-6 và áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn. Hy Lạp vẫn phải làm điều này bất chấp nền kinh tế sẽ lún sâu hơn vào suy thoái và nguy cơ nước này phải rời khỏi eurozone sẽ tăng lên.
Động thái đóng cửa ngân hàng được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán cứu trợ với chủ nợ quốc tế đổ vỡ và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định không tung “phao cứu trợ” cho các ngân hàng Hy Lạp. Những hàng dài người dân Hy Lạp đứng trước các máy ATM và trạm xăng thể hiện những khó khăn tài chính đã ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống hằng ngày của họ. Với tình trạng tiền mặt cạn kiệt, Hy Lạp trở thành nước thứ hai ở eurozone (nước đầu tiên là Síp năm 2013) tuyên bố các ngân hàng sẽ đóng cửa một thời gian và áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn. Các ngân hàng Hy Lạp sẽ đóng cửa ít nhất là tới ngày 6-7 và mỗi ngày mỗi người dân chỉ được rút ra tối đa 60 euro. Chuyển tiền ra nước ngoài bị cấm hoàn toàn.
Trước đó, các Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu đã từ chối gia hạn thêm một tháng chương trình cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp, theo kế hoạch chấm dứt vào ngày 30-6, sau khi Athens thông báo tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 5-7 để quyết định sẽ nói “Có” hay “Không” đối với những đề xuất cải cách của các chủ nợ quốc tế nhằm đổi lấy gói cứu trợ. Các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và bộ ba chủ nợ quốc tế – bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) – vẫn đang bế tắc do hai bên chưa thể tìm được tiếng nói chung về các đề xuất cải cách, trong đó có việc các chủ nợ yêu cầu Athens nâng thuế giá trị gia tăng và tiếp tục cắt giảm thêm lương hưu, điều Hy Lạp cho tới nay vẫn phản đối. Trong khi Hy Lạp đưa ra đề xuất dự kiến sẽ làm tăng doanh thu nhà nước tương đương khoảng 0,93% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), một phần nhờ vào một cuộc cải cách thuế giá trị gia tăng, thì phía chủ nợ yêu cầu mức doanh thu này phải tương đương 1% GDP.
“Phao cứu sinh” tài chính dành cho Hy Lạp kết thúc và nếu Athens vẫn không thể tiếp cận vốn từ các chủ nợ, trong khi thời hạn chót không được kéo dài, nhiều khả năng nước này sẽ rơi vào tình trạng vỡ nợ và phải ra khỏi eurozone. Chủ tịch Eurogroup Jeroen Dijsselbloem cho biết: “Giới chức Hy Lạp yêu cầu các chủ nợ gia hạn thêm một tháng cho các chương trình cứu trợ tài chính. Song, trong bối cảnh châu Âu sẽ không giải ngân thêm bất cứ khoản tiền nào cho Athens trong một tháng đó thì tôi không hiểu Hy Lạp sẽ làm thế nào để có thể tồn tại và giải quyết các vấn đề của mình”.
Trước tình thế khó khăn này, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis vẫn chưa từ bỏ hy vọng khi khẳng định nước này sẽ đấu tranh tới cùng để giành được một thỏa thuận với bộ ba chủ nợ hay còn gọi là “troika”. Bộ trưởng Varoufakis cũng cảnh báo nhóm chủ nợ rằng quyết định nói “Không” với việc gia hạn gói cứu trợ tài chính dành cho Hy Lạp chắc chắn sẽ gây tổn hại đến uy tín của họ như một liên minh dân chủ và tổn hại này có thể là vĩnh viễn. Trong khi đó, giới chức châu Âu vẫn đang bàn thảo một “kế hoạch B” nhằm ngăn không cho những bất ổn ở Hy Lạp lan sang các quốc gia khác trong khối eurozone, đồng thời giữ Athens nằm trong quỹ đạo của khối sử dụng đồng euro.
P.V (DNSGCT)