Cách đây không lâu, các nhà phân tích cho rằng giá dầu thô từ nay cho đến cuối năm 2015 sẽ dao động ổn định trong khoảng 60-70 USD/thùng. Tuy nhiên, dự báo này rất có thể phải thay đổi, giá dầu sẽ còn giảm thêm. Bởi một năm sau đợt giảm giá kỷ lục, thị trường vẫn chưa giải quyết được nguyên nhân chính dẫn đến sự việc này – đó là dư cung.
Thời điểm này năm 2014, thị trường bắt đầu chuỗi bảy tháng giảm kỷ lục, khiến giá dầu giảm từ 116 USD/thùng xuống quanh mức 45 USD/thùng vào tháng 1-2015. Dù giá đã dần hồi phục và xoay quanh mức 60-70 USD/thùng như hiện nay, vẫn có rất ít dấu hiệu cho thấy OPEC sẽ thay đổi chiến lược hiện tại là tăng cường sản xuất. Năm ngoái, sản lượng của OPEC là 29,79 triệu thùng/ngày, còn hiện đã lên trên 31 triệu thùng/ngày.
Tháng 6-2015, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nguồn cung toàn cầu vẫn đang dư thừa và số dầu được tung ra thị trường có thể sẽ còn tiếp tục tăng. Quốc gia xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới là Ả Rập Saudi sẽ còn tăng sản lượng. Các nước thuộc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) vẫn duy trì sản lượng ở mức cao. Nếu Iran đạt được thỏa thuận hạt nhân với các nước phương Tây, động thái gỡ bỏ lệnh trừng phạt đang áp lên nước này (khiến xuất khẩu dầu của Iran giảm từ 3 triệu thùng/ngày năm 2011 xuống gần 1 triệu thùng/ngày hiện nay) có thể xảy ra. Nếu điều đó đến vào thời điểm cuối năm, giá dầu sẽ còn giảm mạnh.
Diễn biến của thị trường cuối năm 2015 và năm 2016 phụ thuộc chủ yếu vào Trung Quốc. Bởi khi nguồn cung luôn ở mức cao như vậy, sự thay đổi trong nhu cầu sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc quyết định mức giá. Nhập khẩu dầu của quốc gia đông dân nhất thế giới đã liên tục tăng trong sáu tháng qua, khi nhu cầu nhiên liệu tăng vọt nhờ lượng xe mới tăng và Bắc Kinh tăng cường kho dự trữ chiến lược. Nhưng nay, dù một số nhà phân tích tin rằng nhu cầu của Trung Quốc vẫn mạnh, có dấu hiệu cho thấy khả năng tiêu thụ dầu của họ đã chậm lại. Tăng trưởng kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc giảm hơn 10% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái và là tháng giảm mạnh nhất kể từ tháng 11-2013. Tình hình chung của thế giới cũng không khá hơn: Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ triển vọng kinh tế toàn cầu năm nay xuống còn 2,8%, so với 3% trong dự báo trước.
Trong bối cảnh giá dầu thấp, nhiều nhà phân tích dự báo sản xuất sẽ giảm, đặc biệt với các công ty khoan dầu đá phiến. Nhưng cho dù các hãng sản xuất hạn chế khoan dầu và đóng cửa một số giàn khoan, sản lượng dầu của thế giới sẽ vẫn cao. Do các khu vực đã được thăm dò bắt đầu hoạt động và hãng sản xuất giảm chi phí để tiếp tục bám trụ thị trường. EIA dự báo tình hình dư cung sẽ còn kéo dài ít nhất đến năm 2017. Những người bi quan còn cho rằng tình hình này có thể kéo dài, khi dầu mỏ dần mất thị phần trong tiêu thụ năng lượng toàn cầu. Trong báo cáo triển vọng tháng 6 này, BP cũng cho rằng năm 2014 có thể coi là bước ngoặt với thị trường năng lượng. Bức tranh tổng thể vẫn là dự trữ dư thừa, các nguồn năng lượng mới đang được tìm ra với tốc độ nhanh hơn tiêu thụ.
V.P (DNSGCT)