Khi cuộc chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991, người ta hy vọng rằng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc sẽ có những hành động mang tính quyết định để tạo dựng một thế giới hòa bình hơn. Và những thành công của đội quân mũ nồi xanh tại Campuchia, Namibia, Mozambique và El Salvador đã biện minh cho cách suy nghĩ này. Tuy nhiên, sự lạc quan sớm lụi tàn khi tiếp đó là những bi kịch ở Nam Tư cũ, Somalia và Rwanda. Lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã trở thành những kẻ đứng bên lề các cuộc xung đột đẫm máu ấy. Cuối thập niên 1990, nhiều người cho rằng sứ mạng gìn giữ hòa bình theo kiểu LHQ đã thuộc về quá khứ và các tổ chức khu vực phải gánh vác lấy trách nhiệm gìn giữ hòa bình. Nhưng sự nghi ngờ ấy bị phá vỡ khi vào năm 1999, LHQ tiếp tục triển khai các sứ mạng gìn giữ hòa bình tại Kosovo, Đông Timor, CHDC Congo. Điều đó cho thấy LHQ còn có nhiều ưu thế hơn các tổ chức khác, nhưng chỉ riêng việc này không đủ để đảm bảo sự thành công của lực lượng gìn giữ hòa bình.
Ngày nay, gìn giữ hòa bình là một nhiệm vụ chính trị mà sự thành công tùy thuộc vào sự hỗ trợ của những nước lớn, vào sự sắp xếp chính trị giữa các bên xung đột và vào sự sử dụng sức mạnh khôn ngoan và biết tự chế. Năm 2003, khi Mỹ tấn công Iraq, Hội đồng Bảo an bị phân hóa, LHQ chìm đắm trong các vụ scandal. Ngày nay, mọi chuyện vẫn chưa có gì thay đổi, khoảng 107 ngàn binh sĩ trong lực lượng gìn giữ hòa bình đang tham gia vào 16 sứ mạng khác nhau trên thế giới. Họ được quản lý tốt hơn nhưng vẫn còn ở vào một tình thế bất ổn. Bên cạnh đó, yêu cầu gìn giữ hòa bình ngày càng trở nên cấp bách hơn, phần lớn lực lượng của LHQ được triển khai ở những nơi chiến cuộc chỉ mới lắng xuống chứ chưa kết thúc. Vì thế, thực tế cho thấy LHQ không thể từ bỏ trách nhiệm gìn giữ hòa bình trong một sớm một chiều. Tại Nam Sudan, trên 100 ngàn người đang tạm trú tại những cơ sở do LHQ dựng lên, đời sống của họ sẽ nguy kịch nếu tổ chức này rút đi. Tại CHDC Congo, chính quyền còn quá non yếu, không ai tin rằng nước này sẽ không rơi vào tình trạng hỗn loạn nếu LHQ không duy trì lực lượng quân sự của mình ở đó.
Để củng cố vị thế của LHQ, đặc biệt trong việc gìn giữ hòa bình tại nhiều điểm nóng trên thế giới, các nhà phân tích gợi ra ít nhất hai giải pháp: Trước hết, cần tăng cường khả năng hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ bằng những hỗ trợ thiết thực, trong đó không thể không kể đến nhu cầu ngân sách 8,47 tỉ USD. Mặt khác, việc chuyển các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ sang các tổ chức khác như NATO là điều không khả thi, vì sẽ rất tốn kém và mang tai tiếng chính trị – qua kinh nghiệm tổ chức này trải qua tại Iraq và Afghanistan. Các lực lượng quân sự phương Tây đã xa lánh sứ mạng gìn giữ hòa bình của LHQ từ thập niên 1990, nay cần tái hòa nhập vào sứ mạng này hoặc dưới tổ chức của đạo quân mũ nồi xanh, hoặc qua một hình thức nào khác. Thứ đến, cần quay lại các giải pháp chính trị. Sẽ không thực tế nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự của LHQ – hoặc của bất cứ thế lực quân sự nào khác, như kinh nghiệm ở Iraq và Afghanistan đã chỉ rõ. Một nhãn quan hẹp chỉ nhắm vào những cuộc hành quân bảo vệ thường dân nhưở Congo sẽ dễ dẫn đến một sự lệch hướng đáng tiếc. Sự đóng góp quan trọng của LHQ trong gìn giữ hòa bình không phải là chiến đấu ngoài mặt trận, mà là hỗ trợ cho sự hình thành và thắng lợi của các tiến trình đàm phán chính trị giữa các phe xung đột trên thế giới.
Lê Nguyễn tổng hợp (DNSGCT)